Saturday, June 26, 2010

Giac Mong

THƯ VIỆN HOA SEN
Search English Mirrorsite
c
Home
Kinh Ðiển
Giới Luật
Luận Giải
Phật Học
Thiền Nguyên Thủy
Tổ Sư Thiền
Niệm Phật
Sử Phật Giáo
Pháp Luận
Tự Ðiển Phật Học
Dinh Dưỡng Chay
Truyện Ngắn
Diễn Ðàn
Index Tác-Giả

Mật TôngTây Tạng



MỤC LỤC
Lời nói đầu
Dẫn nhập
Nhận những giáo lý
PHẦN MỘT: BẢN TÁNH CỦA GIẤC MỘNG
1 Giấc Mộng và Thực Tại
2 Kinh Nghiệm Khởi Lên Như Thế Nào
3 Thân Thể Năng Lực
4 Tóm Tắt : Những Giấc Mộng Khởi Lên
5 Những Hình Ảnh từ Tantra Mẹ
PHẦN HAI : NHỮNG LOẠI VÀ NHỮNG CÁCH SỬ DỤNG GIẤC MỘNG
1 Ba Loại Giấc Mộng
2 Những Sử Dụng Giấc Mộng
3 Khám Phá sự Thực Hành Chošd
4 Hai Mức Độ của sự Thực Hành
PHẦN BA: SỰ THỰC HÀNH YOGA GIẤC MỘNG
1 Cái Nhìn Thấy, Hành Động, Giấc Mộng, cái Chết
2 An Định : Samatha
3 Bốn Thực Hành Căn Bản
4 Chuẩn Bị cho Ban Đêm
5 Thực Hành Chính
6 Sáng Sủa Minh Bạch
7 Những Chướng Ngại
8 Kiểm Soát và Tôn Trọng những Giấc Mộng
9 Những Thực Hành Đơn Giản
10 Hội Nhập
PHẦN BỐN: GIẤC NGỦ
1 Giấc Ngủ và Rơi Vào Giấc Ngủ
2 Ba Loại Giấc Ngủ
3 Thực Hành Giấc Ngủ và Thực Hành Giấc Mộng
PHẦN NĂM: SỰ THỰC HÀNH YOGA GIẤC NGỦ
1 Dakini Salgye Du Dalma
2 Thực Hành Sơ Bộ
3 Thực Hành Giấc Ngủ
4 Tiglé
5 Tiến Bộ
6 Những Chướng Ngại
7 Những Thực Hành Hỗ Trợ
8 Hội Nhập
9 Sự Tương Tục
PHẦN SÁU: NHỮNG BỔ SUNG
1 Bối Cảnh
2 Tâm thức và Rigpa
3 Nền Tảng : Kunzhi
4 Biết
5 Nhận biết tánh Sáng Tỏ và tánh Không
6 Cái Ngã
7 Nghịch Lý của cái Ngã Vô Tự Tánh
PHỤ LỤC : PHÁC HỌA VỀ NHỮNG THỰC HÀNH YOGA GIẤC MỘNG
.
NHỮNG YOGA TÂY TẠNG VỀ GIẤC MỘNG VÀ GIẤC NGỦ Nguyên tác: The Tibetan Yogas of Dream and Sleep Nhà Xuất Bản Snow Lion Ithaca, New York, 1998 Việt dịch: Đương Đạo - Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2000
PHẦN MỘT Bản Tánh của Giấc Mộng
1 Giấc Mộng và Thực Tại
Tất cả chúng ta đều nằm mộng dù chúng ta có nhớ hay không. Chúng ta mộng như những đứa trẻ con và tiếp tục mộng cho đến khi chúng ta chết. Mỗi đêm chúng ta đi vào một thế giới không được biết. Chúng ta hình như vẫn là những bản ngã bình thường của chúng ta hay một ai đó hoàn toàn khác. Chúng ta gặp những người đã biết hoặc không biết, đang sống hay đã chết. Chúng ta bay, gặp những chúng sanh không-phải-người, có những kinh nghiệm phúc lạc, cười, khóc và kinh hãi, được đề cao hay được chuyển hóa. Tuy nhiên chúng ta thường ít chú ý đến những kinh nghiệm phi thường này. Nhiều người Tây phương tiếp cận với những giáo lý với những ý tưởng về giấc mộng căn cứ trên lý thuyết tâm lý học ; kết quả là khi họ quan tâm hơn vào việc dùng giấc mộng trong đời sống tâm linh của họ, họ thường tập chú vào nội dung và nghĩa lý của giấc mộng. Hiếm khi bản tánh của bản thân giấc mộng được khảo cứu tìm tòi. Khi làm việc này, sự khảo cứu dẫn đến những tiến trình bí mật nằm dưới toàn bộ cuộc đời chúng ta, không chỉ đời sống lúc mộng mà thôi.
Bước thứ nhất trong thực hành giấc mộng thì hoàn toàn đơn giản : người ta phải nhận biết tiềm năng vĩ đại của giấc mộng cho cuộc hành trình tâm linh. Bình thường giấc mộng được nghĩ là “không thực”, đối nghịch với đời sống lúc thức là “thực”. Nhưng không gì thực hơn giấc mộng. Tuyên bố này chỉ có ý nghĩa khi hiểu rằng đời sống lúc thức bình thường thì cũng không thực như giấc mộng, và chính xác là cả hai cùng một thứ. Bấy giờ có thể hiểu rằng yoga giấc mộng áp dụng cho tất cả kinh nghiệm, cho những giấc mộng của ngày cũng như những giấc mộng của đêm.
2 Kinh Nghiệm Khởi Lên Như Thế Nào
VÔ MINH
Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt ở Tây phương, thế nên trước hết chúng ta hãy hiểu vô minh (ma-rigpa*) nghĩa là gì. Truyền thống Tây Tạng phân biệt hai loại vô minh : vô minh bẩm sanh và vô minh văn hóa. Vô minh bẩm sanh là căn cứ của sanh tử và là tính chất để định nghĩa chúng sanh bình thường. Nó là vô minh, sự không biết về bản tánh chân thực của chúng ta và bản tánh chân thực của thế giới, và nó đưa đến sự mắc bẫy vào những vọng tưởng của tâm thức nhị nguyên.
Nhị nguyên nói lên những đa cực và những lưỡng phân. Nó phân chia sự thống nhất không vết nối của kinh nghiệm thành đây và kia, đúng và sai, anh và tôi. Căn cứ trên những phân biệt ý niệm này, chúng ta phát triển những yêu chuộng biểu lộ ra như bám lấy và ghét bỏ, những phản ứng thói quen, những cái này lập nên hầu hết cái mà chúng ta đồng hóa như là chính chúng ta. Chúng ta muốn cái này, không muốn cái kia ; tin điều này, không điều kia ; kính trọng điều này và khinh bỉ điều nọ. Chúng ta muốn lạc thú, tiện nghi, sức khỏe và danh tiếng, và cố gắng trốn tránh khổ đau, nghèo nàn, nhục nhã và không tiện nghi. Chúng ta muốn những điều ấy cho chính chúng ta và những người chúng ta thương, và chẳng để ý gì đến những người khác. Chúng ta muốn một kinh nghiệm khác với cái chúng ta đã có, hay chúng ta muốn bám vào một kinh nghiệm và tránh những thay đổi không thể tránh sẽ đưa đến sự hoại diệt kinh nghiệm này.
Có một loại vô minh thứ hai là do bị văn hóa quy định. Nó tạo thành từ những tham muốn và ghét bỏ được cơ cấu hóa trong một nền văn hóa và được làm thành điều luật trong những hệ thống giá trị. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, người Ấn giáo tin rằng ăn thịt bò là sai và thích hợp hơn là nên ăn thịt heo. Người Hồi giáo tin rằng thích hợp hơn là ăn thịt bò nhưng họ bị cấm ăn thịt heo. Người Tây Tạng thì ăn cả hai. Ai đúng ? Người Ấn giáo nghĩ rằng những người Ấn giáo là đúng, người Hồi giáo nghĩ những người Hồi giáo là đúng, và người Tây Tạng nghĩ những người Tây Tạng đúng. Những niềm tin khác nhau khởi từ những thiên chấp và lòng tin là thành phần của văn hóa – không phải từ trí huệ căn bản.
Một thí dụ khác có thể được tìm thấy trong những xung đột nội tại của triết học. Có nhiều hệ thống triết lý được định nghĩa bởi sự bất đồng ý với một hệ thống khác trên những điểm tinh tế. Dù cho bản thân hệ thống được phát triển với ý định dẫn đưa người ta đến trí huệ, chúng sản sinh ra vô minh bởi vì những người theo chúng bám chấp vào một cái hiểu nhị nguyên về thực tại. Điều này không thể tránh trong một hệ thống ý niệm bởi vì tâm thức ý niệm tự nó đã là một biểu lộ của vô minh.
Vô minh văn hóa được phát triển và bảo tồn trong những truyền thống. Nó thấm khắp mọi phong tục, ý kiến, hệ thống giá trị và tòan bộ tri thức. Cả hai bên, những cá nhân và những văn hóa chấp nhận những yêu chuộng này một cách căn bản đến độ chúng được xem là lương tri chung hay định luật thiêng liêng. Càng lớn lên, chúng ta càng bám luyến vào những niềm tin khác nhau, vào một đảng phái chính trị, một hệ thống y khoa, một tôn giáo, một quan niệm sự vật là thế nào. Chúng ta qua trường sơ cấp, trung học, và có thể đại học và trong một nghĩa mỗi bằng cấp là một phần thưởng cho việc phát triển một vô minh ngụy biện hơn nữa. Giáo dục tăng cường thêm thói quen nhìn thế giới qua một thấu kính nào đó. Chúng ta có thể trở nên một chuyên gia trong một quan kiến sai lầm, trở nên rất chính xác trong cách hiểu của chúng ta, và tùy thuộc vào những chuyên gia khác. Điều này cũng có thể là trường hợp trong triết học, khi người ta học những hệ thống trí thức chi tiết và phát triển tâm thức thành một dụng cụ tra vấn sắc bén. Nhưng cho đến khi nào vô minh bẩm sinh được thâm nhập, người ta chỉ phát triển một thiên chấp được huân tập, chứ chẳng phải trí huệ căn bản.
Chúng ta trở nên bám luyến vào thậm chí những cái nhỏ nhất : một loại xà phòng riêng biệt hay một kiểu tóc cắt theo lối nào đó. Trên một phạm vi rộng lớn, chúng ta phát triển những tôn giáo, những hệ thống chính trị, những triết học, tâm lý học và những khoa học. Nhưng không có ai được sinh ra với niềm tin rằng ăn thịt bò hay thịt heo là sai hay một hệ thống triết lý là đúng và cái khác là sai hay tôn giáo này là đúng tôn giáo kia là sai. Những điều này phải được học. Sự trung thành ủng hộ những giá trị riêng biệt là kết quả của vô minh văn hóa, nhưng xu hướng chấp nhận những quan kiến giới hạn phát sinh trong sự nhị nguyên, nó là biểu lộ của vô minh bẩm sanh.
Điều này không xấu. Nó phải là như vậy. Những bám chấp của chúng ta có thể dẫn đến chiến tranh nhưng chúng cũng biểu hiện như là những kỹ thuật ích lợi và những nghệ thuật khác nhau có lợi lớn lao cho thế giới. Bao giờ chúng ta chưa giác ngộ, chúng ta còn tham gia vào nhị nguyên, và điều đó cũng tốt. Ở Tây Tạng có câu nói, “Khi ở trong thân của một con lừa, hãy thưởng thức vị của cỏ.” Nói cách khác, chúng nên cảm kích và hân thưởng cuộc đời này bởi vì nó tràn đầy ý nghĩa và có giá trị tự thân, và bởi vì đó là cuộc đời chúng ta đang sống.
Nếu chúng ta không cẩn thận, những giáo lý có thể được dùng để hỗ trợ cho vô minh của chúng ta. Người ta có thể nói rằng người nào đắc được một cấp độ cao cấp là xấu hay có chế độ ăn uống kiêng cữ là sai lầm, nhưng đó không phải là điểm cốt yếu chút nào. Hay người ta có thể nói vô minh là xấu hay đời sống bình thường chỉ là sự ngu ngốc sanh tử. Nhưng vô minh chỉ là sự che ám tâm thức. Tham luyến vào nó hay ghê tởm nó cũng là trò chơi cũ kỹ của nhị nguyên, diễn bày trong lãnh vực của vô minh. Chúng ta có thể thấy nó phổ khắp như thế nào. Dù cho những giáo lý phải làm việc với nhị nguyên – chẳng hạn bằng cách khuyến khích sự gắn bó với cái thiện và ghét bỏ cái bất thiện – một cách nghịch lý chúng dùng nhị nguyên của vô minh để đánh bại vô minh. Cái hiểu biết của chúng ta phải vi tế biết bao nhiêu và chúng ta có thể dễ dàng lạc mất biết bao nhiêu ! Đây là tại sao thực hành là cần thiết, để có kinh nghiệm trực tiếp hơn là chỉ phát triển hệ thống ý niệm khác để thi thiết và bảo vệ. Khi những sự vật được nhìn từ một viễn cảnh cao hơn, chúng là bình đẳng. Từ viễn cảnh của trí huệ bất nhị, không có gì là quan trọng hay không quan trọng.
NHỮNG HÀNH ĐỘNG VÀ KẾT QUẢ : NGHIỆP VÀ NHỮNG DẤU VẾT CỦA NGHIỆP
Văn hóa trong đó chúng ta sống quy định chúng ta, nhưng chúng ta mang những hạt giống của sự bị quy định theo với chúng ta bất kỳ nơi nào chúng ta đến. Mọi cái quấy phá chúng ta thực ra ở trong tâm thức chúng ta. Chúng ta trách móc về môi trường, hoàn cảnh gây ra sự bất hạnh của chúng ta và tin rằng nếu chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh chúng ta sẽ hạnh phúc. Nhưng tình huống trong đó chúng ta sống chỉ là nguyên nhân phụ của sự khổ đau của chúng ta. Nguyên nhân chính yếu là vô minh bẩm sanh và lòng tham có ra từ đó mong muốn sự vật phải khác hơn chúng là như vậy.
Có lẽ chúng ta định trốn thoát khỏi những căng thẳng của thành phố bằng cách đi ra biển hay lên núi. Hay chúng ta bỏ sự vắng vẻ và những khó khăn của đồng quê để lấy sự kích động của thành thị. Sự đổi thay có thể tốt bởi vì những nguyên nhân phụ được thay đổi và có thể có hài lòng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn. Gốc rễ của sự bất mãn của chúng ta đi theo chúng ta đến nơi ở mới, và từ đó nó làm lớn thêm những bất toại nguyện mới. Chẳng bao lâu chúng ta lại bị giam nhốt trong cái hỗn loạn của hy vọng và sợ hãi.
Hay chúng ta nghĩ nếu chúng ta có nhiều tiền hơn, hay một người bạn đời tốt hơn, hay một thân thể tốt hơn, một công việc, một giáo dục tốt hơn, chúng ta sẽ hạnh phúc. Nhưng chúng ta tự biết điều ấy không đúng. Người giàu không thoát khỏi khổ đau, một người tình mới sẽ không thỏa mãn chúng ta ở một phương diện nào đấy, thân thể sẽ già, công việc mới sẽ dần kém hấp dẫn, và vân vân. Khi chúng ta nghĩ giải pháp cho mỗi bất hạnh của chúng ta có thể được tìm thấy trong thế giới bên ngoài, những tham muốn của chúng ta có thể tạm thời được thỏa mãn. Nhưng không hiểu giải pháp thật sự, chúng ta chòng chành lối này lối nọ theo những cơn gió tham dục, không bao giờ yên nghĩ và thỏa mãn. Chúng ta bị nghiệp của mình cai trị và tiếp tục gieo những hạt giống nghiệp cho những vụ mùa phong nhiêu sẽ tới. Cách hành động này không chỉ làm chúng ta phóng dật khỏi con đường tâm linh, mà nó còn ngăn cản chúng ta không tìm thấy hạnh phúc và thỏa mãn trong cuộc sống hàng ngày.
Bao giờ chúng ta còn đồng hóa với sự bám nắm và ghét bỏ của tâm thức vọng đôïng, chúng ta còn sản xuất những xúc tình tiêu cực sanh ra nơi khoảng trống giữa cái đang là và cái chúng ta muốn. Những hành động phát sanh từ những xúc tình này, gồm hầu hết mọi hành động của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, đã để lại những dấu vết nghiệp.
Karma* (nghiệp) nghĩa là hành động. Những dấu vết nghiệp* là những kết quả của những hành động, chúng ở lại trong thức và ảnh hưởng vào tương lai chúng ta. Chúng ta có thể hiểu phần nào những dấu vết nghiệp nếu chúng ta xem chúng là những khuynh hướng, những khuôn khổ của thái độ đối xử bên trong và bên ngoài, những phản ứng thâm căn cố đế, những tạo thành ý niệm theo thói quen. Chúng ngự trị, điều động những phản ứng xúc tình của chúng ta đối với những hoàn cảnh, những hiểu biết trí thức của chúng ta cũng như những thói quen xúc tình cá biệt và những cứng nhắc trí óc của chúng ta. Chúng tạo ra và quy định hóa, điều kiện hóa mọi đáp ứng chúng ta thường có đối với mỗi yếu tố của kinh nghiệm chúng ta.
Đây là một thí dụ về những dấu vết nghiệp trên một cấp độ thô, dù cho cùng một động lực cũng tác động trong những cấp độ vi tế nhất và bao quát nhất của kinh nghiệm : một người lớn lên trong một căn nhà có nhiều cãi vã, tranh chấp. Rồi có thể ba, bốn mươi năm sau khi rời khỏi căn nhà, người ấy đi vào một đường phố và ngang qua một căn nhà có người đang cãi và tranh đấu với nhau. Đêm ấy y có một giấc mộng thấy mình cãi vã và tranh đấu với vợ hay người tình. Khi thức dậy, y cảm thấy buồn rầu và mệt mỏi. Điều này người vợ nhận xét ra và phản ứng với tính khí đó, càng làm cho y giận thêm.
Chuỗi kinh nghiệm này chỉ cho chúng ta một cái gì về những dấu vết nghiệp. Khi người đàn ông ấy còn trẻ, nó phản ứng với sự tranh đấu trong nhà bằng sợ hãi, giận dữ và tổn thương. Nó cảm thấy căm ghét tranh đấu, một đáp ứng bình thường, và sự căm ghét này để lại trong tâm thức nó một dấu vết. Hàng chục năm sau nó đi ngang một căn nhà và nghe tiếng cãi vã, tranh đấu ; đây là điều kiện phụ kích thích nghiệp xưa cũ, biểu lộ trong một giấc mơ đêm hôm ấy.
Trong giấc mộng, người đàn ông phản ứng với sự khiêu khích của người vợ trong mộng với những cảm giác giận dữ và tổn thương. Sự đáp ứng này bị chỉ huy bởi những dấu vết nghiệp đã tích tập trong thức của nó hồi nhỏ và chắc chắn đã được làm mạnh thêm nhiều lần từ đó. Khi người vợ trong mộng – người chỉ là một phóng chiếu của tâm thức nó – khiêu khích nó, phản ứng của nó là căm ghét, như hồi còn nhỏ. Sự căm ghét nó cảm thấy trong mộng là một hành động mới tạo ra hạt giống mới. Khi thức dậy, nó bị kẹt trong những xúc tình tiêu cực là quả của những nghiệp trước. Nó cảm thấy lạnh nhạt và mệt mỏi với vợ mình. Vấn đề rắc rối hơn khi người vợ phản ứng từ những khuynh hướng nghiệp thói quen đã định, có thể trở nên tức giận, mệt mỏi, hối tiếc, hay quỵ lụy và người đàn ông lại phản ứng một cách tiêu cực, gieo rắc thêm hạt giống nghiệp khác.
Mọi phản ứng với bất kỳ hoàn cảnh nào – ngoài hay trong, thức hay ngủ – được cắm rễ trong thương hay ghét, đều để lại những dấu vết trong tâm thức. Vì nghiệp điều khiển những phản ứng, những phản ứng gieo thêm hạt giống nghiệp, những hạt giống nghiệp này lại điều khiển những phản ứng v.v... Đấy là việc nghiệp đưa tới nghiệp nhiều hơn như thế nào. Đó là bánh xe sanh tử, chu trình không ngừng của hành động và phản ứng.
Dù thí dụ này chỉ nhắm vào nghiệp trên cấp độ tâm lý học, thực ra nghiệp xác định mọi chiều kích của hiện hữu. Nó tạo thành những hình tượng tình cảm và tinh thần trong đời sống một cá nhân cũng như tri giác và sự giải thích về hiện hữu, sự vận hành của thân thể và cơ cấu nhân và quả của thế giới bên ngoài. Mỗi phương diện của kinh nghiệm, dù lớn hay nhỏ, đều bị nghiệp cai trị.
Những dấu vết nghiệp lưu lại trong tâm thức giống như những hạt giống. Và như những hạt giống, chúng đòi hỏi vài điều kiện để biểu lộ. Như một hạt giống cần sự phối hợp đúng của ẩm ướt, ánh sáng, chất bồi bổ và nhiệt độ để mọc mầm và lớn lên, dấu vết nghiệp được biểu lộ khi gặp phải hoàn cảnh thích đáng. Những yếu tố của hoàn cảnh hỗ trợ sự biểu lộ của nghiệp là những nguyên nhân và điều kiện (duyên) thứ yếu.
Ích lợi khi nghĩ về nghiệp như tiến trình của nhân quả, bởi vì điều này đưa đến nhận biết rằng những chọn lựa tạo nên trong sự đáp ứng với mọi hoàn cảnh trong hay ngoài đều có những hậu quả. Một khi chúng ta thực sự hiểu rằng mỗi dấu vết nghiệp là một hạt giống cho hành động bị nghiệp cai quản khác nữa, chúng ta có thể dùng cái hiểu ấy để tránh tạo ra nghiệp tiêu cực trong đời chúng ta, và thay vào đó, chúng ta tạo ra những điều kiện chúng sẽ tác động đến cuộc đời chúng ta theo một chiều hướng tích cực. Hay, nếu chúng ta biết làm, chúng ta có thể cho phép xúc tình phiền não được tự giải thoát ngay khi nó khởi sanh, trong trường hợp này không có nghiệp nào được tạo ra cả.
NGHIỆP TIÊU CỰC
Nếu chúng ta phản ứng với một hoàn cảnh bằng xúc tình tiêu cực, dấu vết để lại trong tâm thức rồi sẽ chín và ảnh hưởng một hoàn cảnh nào đó trong cuộc đời theo một cách tiêu cực. Thí dụ, nếu ai nổi giận với chúng ta và chúng ta phản ứng lại với giận dữ, chúng ta để lại một dấu vết làm cho có khả năng hơn để giận dữ khởi lên lại trong chúng ta, và hơn nữa chúng ta có khả năng hơn để gặp những hoàn cảnh thứ yếu cho phép cơn giận dữ thói quen sanh khởi. Điều này dễ thấy nếu chúng ta có nhiều giận dữ trong đời mình hay chúng ta biết có ai như vậy. Người hay nổi giận liên tục gặp những hoàn cảnh hình như để chứng thực cho sự giận dữ của họ, trong khi người ít giận thì không gặp. Những hoàn cảnh bên ngoài có thể tương tự nhưng những khuynh hướng nghiệp tạo ra những thế giới chủ quan khác nhau.
Nếu một xúc tình được biểu hiện một cách xung động nó có thể gây ra những hệ quả và phản ứng mạnh mẽ. Giận dữ có thể đưa đến đánh nhau hay loại hủy hoại khác. Người ta có thể bị thương tổn về mặt thân thể hay tình cảm. Điều này không chỉ đúng cho giận dữ ; nếu sợ hãi được biểu hiện ra nó cũng có thể được tạo ra căng thẳng lớn lao cho người chịu đựng nó, có thể làm cho người ấy xa lánh những người khác... Không khó để thấy điều này dẫn đến những dấu vết tiêu cực ảnh hưởng đến tương lai một cách tiêu cực như thế nào.
Nếu chúng ta đè nén xúc tình, vẫn còn có một dấu vết tiêu cực. Dồn nén là một biểu lộ của ghét bỏ. Nó xảy ra bằng sự cột chặt cái gì bên trong chúng ta, đặt cái gì sau một cánh cửa và khóa cửa lại, ép buộc một phần kinh nghiệm của chúng ta nằm trong bóng tối, có vẻ như chờ đợi trong thù nghịch, cho đến khi một nguyên nhân thư yếu thích hợp gọi nó ra. Điều này có thể biểu lộ trong nhiều cách. Chẳng hạn, nếu chúng ta đè nén sự ghen tỵ đối với những người khác, cuối cùng nó có thể biểu lộ trong một bùng vỡ xúc tình, hay nó có thể hiện diện trong những phê phán nặng nề những người gần gũi với người chúng ta âm thầm ghen tỵ, dầu chúng ta bác bỏ việc mình có lòng ghen tỵ. Sự phê phán của tâm trí cũng là một hành động, đặt nền trên ghét bỏ, nó tạo ra những hạt giống nghiệp xấu.
NGHIỆP TÍCH CỰC
Thay vì những đáp ứng tiêu cực như vậy – bằng cách bị khuynh hướng nghiệp dẫn dắt vào một thái độ hay bằng cách đè nén nó – chúng ta có thể dừng lại trong giây phút và tiếp thông với chính chúng ta và lựa chọn tạo ra cái đối trị lại với xúc tình tiêu cực. Nếu có ai nổi giận với chúng ta và cơn giận của chúng ta cũng khởi lên, cái đối trị là lòng bi. Sự khơi dậy nó có thể là cưỡng bách và không chính thống lúc ban đầu, nhưng nếu chúng ta thấu hiểu rằng con người đang làm chúng ta tức giận đang bị thúc đẩy bởi sự bị điều kiện hóa của chính nó và hơn nữa thấu hiểu rằng nó đang khổ đau vì một hạn hẹp thúc ép của thức bởi vì nó bị mắc bẫy trong nghiệp tiêu cực của chính nó, chúng ta có thể cảm thấy lòng bi mẫn nào đó và có thể bắt đầu buông bỏ những phản ứng tiêu cực của chúng ta. Khi làm thế, chúng ta bắt đầu tạo hình cho tương lai của chúng ta một cách tích cực.
Sự đáp ứng mới mẻ này, còn căn cứ trên tham muốn – trong trường hợp này là tham muốn đức hạnh hay bình an hay sự tăng trưởng tâm linh – sản sanh ra một dấu vết nghiệp tích cực ; chúng ta đã gieo hạt giống của lòng bi. Lần sau, khi gặp giận dữ chúng ta có khả năng hơn một ít để đáp ứng bằng lòng bi, nó thì thoải mái và khoáng đạt hơn nhiều so với cơn giận chật hẹp của việc bảo vệ bản ngã. Theo cách này, sự thực hành đức hạnh dần dần tu sửa lại sự đáp ứng tiêu cực của chúng ta với thế giới và chúng ta thấy mình chẳng hạn như càng lúc càng ít gặp sự giận dữ cả ngoài lẫn trong. Nếu chúng ta tiếp tục trong sự thực hành này, cuối cùng lòng bi sẽ sanh khởi tự nhiên và không cố gắng. Dùng sự thấu hiểu nghiệp, chúng ta có thể tu sửa lại tâm thức của chúng ta để sử dụng mọi kinh nghiệm, dù là những giấc mộng ban ngày thoáng qua và riêng tư nhất, để hỗ trợ cho thực hành tâm linh chúng ta.
GIẢI THOÁT NHỮNG XÚC TÌNH
Đáp ứng tốt nhất với xúc tình tiêu cực là cho phép nó tự giải thoát bằng cách để nó ở trong tánh tỉnh giác bất nhị, thoát khỏi bám nắm và ghét bỏ. Nếu có thể làm được điều này, xúc tình đi qua chúng ta như một con chim bay qua không gian ; không dấu vết nào của sự đi qua được lưu lại. Xúc tình khởi lên và rồi tự nhiên tan biến vào tánh không.
Trong trường hợp này, hạt giống nghiệp biểu lộ – như xúc tình hay tư tưởng hay cảm giác thân thể hay một xung đột đối với những thái độ riêng biệt – nhưng bởi vì chúng ta không đáp ứng với nắm lấy hay ghét bỏ, không có hạt giống nghiệp tương lai nào được phát sanh. Chẳng hạn mỗi lần ganh ghét được cho phép khởi lên và tan biến vào trong tỉnh giác mà chúng ta không bị nó nắm bắt hay cố gắng đè ép nó, thì sức mạnh của khuynh hướng nghiệp về ganh ghét giảm sút. Không có hành động mới nào để tăng cường nó. Giải thoát xúc tình theo cách này sẽ cắt đứt nghiệp tận gốc của nó. Đó cũng giống như chúng ta đốt những hạt giống nghiệp trước khi chúng có cơ hội lớn lên thành những rắc rối trong đời chúng ta.
Bạn có thể hỏi tại sao tốt hơn là giải thoát xúc tình thay vì phát sanh nghiệp tích cực. Câu trả lời là mọi dấu vết nghiệp đều bó buộc, giới hạn chúng ta vào những bản sắc riêng biệt. Mục đích của con đường là giải thoát toàn triệt khỏi mọi sự bị quy định, bị điều kiện hóa. Điều này không có nghĩa một khi người ta được giải thoát, những tính cách tích cực như lòng bi không hiện diện. Chúng có mặt. Nhưng khi chúng ta không còn bị những khuynh hướng nghiệp sai sử, chúng ta có thể thấy hoàn cảnh chúng ta rõ ràng và đáp ứng một cách tự nhiên và thích đáng, hơn là bị đẩy vào một hướng này hay đưa vào một hướng khác. Lòng bi tương đối khởi lên từ những khuynh hướng nghiệp tích cực thì rất tốt, nhưng tốt hơn là lòng bi tuyệt đối khởi lên không từ nỗ lực và hoàn hảo trong đó cá nhân được giải thoát khỏi sự bị điều kiện hóa theo nghiệp. Nó thì rỗng rang hơn và bao trùm hơn, hiệu quả hơn và thoát khỏi những mê lầm của nhị nguyên.
Dù cho phép xúc tình tự giải thoát là cách đáp ứng tốt nhất, cũng khó mà làm trước khi sự thực hành của chúng ta được phát triển và vững chắc. Nhưng dù sự thực hành của chúng ta mới bắt đầu, tất cả chúng ta có thể quyết định dừng lại một lúc khi xúc tình sanh khởi, rà xét lại trong chúng ta, và chọn lựa hành động một cách khéo léo thiện xảo đến mức tốt nhất có thể được. Chúng ta đều có thể học làm cùn nhụt sức mạnh của xung động, của những thói quen nghiệp. Chúng ta có thể dùng một tiến trình ý niệm, nhắc nhở chúng ta rằng xúc tình chúng ta đang kinh nghiệm chỉ là quả của những dấu vết nghiệp trước kia. Bấy giờ chúng ta có thể thư giãn, buông xả sự đồng hóa của chúng ta với xúc tình hay quan điểm, và bỏ đi sự phòng thủ bảo vệ của mình. Khi nút thắt của xúc tình nới lỏng, bản sắc cá tính trở nên thư giãn và khoáng đạt hơn, rỗng rang hơn. Chúng ta có thể chọn lựa một đáp ứng tích cực hơn, gieo trồng những hạt giống nghiệp tích cực. Lại nữa, quan trọng là làm điều này mà không dồn nén xúc tình. Chúng ta nên thư giãn khi chúng ta phát sanh lòng bi, không phải đè nén một cách cứng ngắc sự giận dữ trong thân thể chúng ta khi cố gắng nghĩ những tư tưởng tốt đẹp.
Hành trình tâm linh không chỉ làm lợi lạc tương lai xa xôi hay đời sắp tới của chúng ta. Khi chúng ta thực hành huấn luyện mình phản ứng tích cực hơn với những hoàn cảnh, chúng ta thay đổi những dấu vết nghiệp của chúng ta và phát triển những phẩm tính, chúng tạo thành những thay đổi tích cực trong những cuộc đời mà chúng ta đang sống ngay từ bây giờ. Khi chúng ta thấy rõ ràng hơn rằng mỗi kinh nghiệm, dù nhỏ nhặt và riêng tư, đều có một kết quả, chúng ta có thể dùng cái hiểu này để thay đổi những cuộc đời và những giấc mộng của chúng ta.
NHỮNG CHE ÁM CỦA THỨC
Những dấu vết nghiệp ở lại với chúng ta như những tàn dư tâm lý của những hành động được thực hiện với bám nắm hay ghét bỏ. Chúng là những che ám của thức được cất giữ trong thức nền tảng của cá thể, trong kunzhi namshe*, (thức a lại da). Dù người ta nói nó là một kho chứa, thức a lại da thực ra tương đương với sự che ám của thức : khi không có những che ám của thức thì cũng không có thức a lại da. Nó không phải là một vật hay một nơi chốn ; nó là động lực làm nền cho sự cấu tạo của kinh nghiệm nhị nguyên. Nó là không bản chất như một tập hợp những thói quen và cũng đầy uy lực như những thói quen cho phép ngôn ngữ có ý nghĩa, những hình sắc phân thành những đối tượng, và hiện hữu xuất hiện với chúng ta như cái gì có ý nghĩa mà chúng ta có thể điều khiển và hiểu biết.
Ẩn dụ thông thường cho thức a lại da là một nhà kho hay nơi chứa giữ không thể phá hủy được. Chúng ta có thể nghĩ thức a lại da chứa giữ một tổng hợp những khuôn mẫu hay giản đồ. Nó là một ngữ pháp của kinh nghiệm bị tác động trong phạm vi lớn hay nhỏ bởi mỗi hành động chúng ta làm bên ngoài hay bên trong, thân xác hay ý thức. Bao giờ những khuynh hướng thói quen hiện hữu trong tâm thức của cá nhân thì thức a lại da có hiện hữu. Khi người ta chết và thân thể tan rã, thức a lại da không hư hoại. Những dấu vết nghiệp tiếp tục trong thức cho đến khi nào chúng được tịnh hóa. Khi chúng hoàn toàn được tịnh hóa, không có thức a lại da nữa và cá nhân ấy là một đức Phật.
NHỮNG DẤU VẾT NGHIỆP VÀ GIẤC MỘNG
Tất cả kinh nghiệm sanh tử được tạo thành bởi những dấu vết nghiệp. Tính khí, tư tưởng, xúc tình, hình ảnh tâm thức, tri giác, phản ứng bản năng, “lương tri”, và ngay cả cảm thức về bản thân chúng ta đều bị những công việc của nghiệp cai trị, điều khiển. Thí dụ, bạn có thể thức dậy với một cảm giác buồn chán. Bạn có bữa ăn sáng, mọi sự có vẻ tốt cả, nhưng có một cảm thức buồn chán không biết từ đâu. Trong trường hợp này chúng ta nói nghiệp gì đó đã chín. Những nguyên nhân và điều kiện (nhân và duyên) đã cùng chung nhau theo một cách để buồn chán biểu lộ. Có hàng trăm lý do để cơn buồn chán này xảy ra trong buổi sáng đặc biệt này, và nó có thể biểu lộ trong muôn ngàn cách. Nó cũng có thể biểu lộ trong đêm như một giấc mộng.
Trong giấc mộng, những dấu vết nghiệp biểu lộ trong thức không bị ràng buộc bởi tâm thức lý tính. Chúng ta có thể nghĩ về tiến trình như vầy : suốt ngày thức soi sáng các giác quan và chúng ta kinh nghiệm thế giới, đan dệt những kinh nghiệm tâm thức và giác quan thành một toàn thể có ý nghĩa của đời sống chúng ta. Vào ban đêm thức rút khỏi những giác quan và ở trong cái nền tảng. Nếu chúng ta đã phát triển một thực hành mạnh mẽ về sự hiện diện với nhiều kinh nghiệm về bản tánh trống không sáng rỡ của tâm thức, bấy giờ chúng ta sẽ biết và ở trong tánh tỉnh giác thuần khiết, trong vắt này. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, thức làm hiển lộ những che ám, những dấu vết nghiệp và những cái ấy biểu lộ thành một giấc mộng.
Những dấu vết nghiệp giống như những tấm ảnh chúng ta chụp từ mỗi kinh nghiệm. Mỗi một phản ứng nắm lấy hay ghét bỏ với mỗi một kinh nghiệm – với những kỷ niệm, cảm giác, tri giác giác quan, hay những tư tưởng – thì giống như chụp một tấm ảnh. Trong phòng tối của giấc ngủ, chúng ta chiếu phim. Những hình ảnh được chiếu trong một đêm sẽ được xác định bằng điều kiện phụ vừa mới gặp. Một số hình ảnh hay dấu vết cháy hằn sâu trong chúng ta bởi những phản ứng mạnh mẽ, trong khi những cái khác có từ những kinh nghiệm trên bề mặt, chỉ để lại một chất cặn mờ nhạt. Thức của chúng ta như ánh sáng của một máy chiếu, làm hiển lộ dấu vết đã được kích thích và chúng biểu lộ như những hình ảnh và những kinh nghiệm của giấc mộng. Chúng ta kết hợp chúng thành một cuộn phim, tâm thức chúng ta làm cho nó thành có ý nghĩa, đưa đến một câu chuyện kể tạo thành từ những khuynh hướng bị quy định và những bản sắc thói quen : đó là giấc mộng.
Cùng tiến trình này tiếp tục xảy ra khi chúng ta thức, tạo ra cái chúng ta thường nghĩ như là “kinh nghiệm của chúng ta”. Trong giấc mộng những động lực thì dễ hiểu hơn, bởi vì chúng có thể được quan sát ngoài những giới hạn của thế giới vật chất và tâm thức lý tính. Suốt ngày, dù vẫn dấn thân vào cùng tiến trình tạo thành giấc mộng, chúng ta phóng chiếu cái hoạt động bên trong này của tâm thức lên thế giới và nghĩ rằng những kinh nghiệm của chúng ta là “thực” và ở ngoài tâm thức của riêng chúng ta.
Trong yoga giấc mộng, sự hiểu biết về nghiệp được dùng để huấn luyện tâm thức phản ứng khác khi đối với kinh nghiệm, đưa đến những dấu vết nghiệp mới và từ chúng những giấc mộng sanh ra dễ hướng hơn vào hành trình tâm linh. Điều này không phải là sức mạnh cưỡng ép, ý thức dành quyền áp bức vô thức. Yoga giấc mộng lại dựa vào tỉnh giác và quán chiếu được tăng cường để cho phép chúng ta có những chọn lựa tích cực trong đời sống. Hiểu cơ cấu năng động của kinh nghiệm và những hậu quả của những hành động đưa tới sự nhận biết rằng mỗi kinh nghiệm bất kỳ loại nào đều là một cơ hội cho thực hành tâm linh.
Thực hành giấc mộng cũng cho chúng ta một phương pháp đốt cháy những hạt giống của nghiệp tương lai trong giấc mộng. Nếu chúng ta an trụ trong tánh tỉnh giác suốt một giấc mộng, chúng ta có thể cho phép những dấu vết nghiệp tự giải thoát khi chúng khởi lên và chúng sẽ không tiếp tục biểu lộ như những trạng thái tiêu cực trong đời sống chúng ta nữa. Như trong đời sống lúc thức, điều này sẽ chỉ xảy ra nếu chúng ta có thể ở trong tỉnh giác bất nhị của rigpa*, tịnh quang của tâm thức. Nếu chúng ta không thể làm điều đó, chúng ta còn có thể phát triển những khuynh hướng để chọn lựa thái độ tích cực ngay trong những giấc mộng cho đến khi chúng ta có thể vượt khỏi những yêu chuộng và nhị nguyên.
Cuối cùng, khi chúng ta tịnh hóa những che ám đến độ không có gì còn lại, không có phim, không có những ảnh hưởng nghiệp được che dấu, những cái làm nên màu sắc và hình dáng cho ánh sáng của tâm thức chúng ta. Bởi vì những dấu vết nghiệp là những gốc rễ của giấc mộng, khi chúng hoàn toàn cạn kiệt thì chỉ còn lại ánh sáng thanh tịnh của tánh tỉnh giác : không phim, không câu chuyện, không người mộng và không giấc mộng, chỉ có bản tánh nền tảng sáng ngời là thực tại tuyệt đối. Đây là tại sao giác ngộ là sự chấm dứt của những giấc mộng và được gọi là “tỉnh thức”.
SÁU CÕI CỦA SANH TỬ LUÂN HỒI
Theo những giáo lý, có sáu cõi (loka*) của hiện hữu trong đó tất cả những chúng sanh bị mê lầm đang sống. Đó là những cõi của chư thiên, bán-thiên, người, thú, quỷ đói và địa ngục. Một cách căn bản, những cõi ấy là sáu chiều kích của tâm thức, sáu chiều kích của kinh nghiệm có thể có được. Chúng biểu lộ trong cá nhân chúng ta như là sáu xúc tình tiêu cực, sáu phiền não : Sân, tham, vô minh, ghen ghét, kiêu mạn và phóng dật thích thú. (Phóng dật thích thú là trạng thái xúc tình khi năm xúc tình kia hiện diện trong mức độ cân bằng, hòa hợp quân bình). Tuy nhiên sáu cõi không chỉ là những phạm trù của những kinh nghiệm xúc tình mà cũng là những cõi thực có mà chúng sanh sanh ra trong đó, như chúng ta được sanh vào cõi người hay một con sư tử sanh vào cõi thú.
Mỗi cõi có thể được nghĩ như một dòng tương tục của kinh nghiệm. Chẳng hạn cõi địa ngục tạo lập trong dãy từ kinh nghiệm xúc tình bên trong là giận dữ và thù ghét, cho đến những thái độ tính khí cắm rễ trong giận dữ như chiến đấu và chiến tranh, đến những thể chế, thành kiến và thiên chấp xây dựng trên thù ghét như quân đội, thù ghét chủng tộc, và không khoan dung, đến cõi thực trong đó chúng sanh địa ngục sống. Một cái tên cho toàn bộ chiều kích kinh nghiệm này, từ xúc tình cá nhân đến chỗ có thật, là “địa ngục.”
Giống như những giấc mộng, những cõi là những biểu lộ của những dấu vết nghiệp, nhưng trong trường hợp các cõi, những dấu vết nghiệp là tập thể, cộng nghiệp hơn là biệt nghiệp. Bởi vì nghiệp là tập thể, những chúng sanh trong mỗi cõi chia xẻ những kinh nghiệm tương tự trong một thế giới đồng cảm, như khi chúng ta chia xẻ những kinh nghiệm tương tự với những người khác. Cộng nghiệp tạo ra những thân thể và giác quan và khả năng tinh thần cho phép cá thể tham dự chia xẻ những tiềm năng và phạm trù của kinh nghiệm trong khi lại làm cho các loại kinh nghiệm khác không thể có được. Chẳng hạn, những con chó đều có thể nghe những âm thanh mà con người không nghe được, và những con người kinh nghiệm ngôn ngữ theo một cách mà loài chó không thể.
Dù những cõi có vẽ phân biệt và cứng đặc, như thế giới của chúng ta đối với chúng ta, chúng thật sự là như mộng và không có bản chất. Chúng thâm nhập lẫn nhau và chúng ta đều nối kết với mỗi cõi. Chúng ta có những hạt giống của sự tái sanh vào các cõi khác trong chúng ta, và khi chúng ta kinh nghiệm những xúc tình khác chúng ta tham dự vào một số những tính cách và khổ đau đặc trưng của những cõi khác. Chẳng hạn khi chúng ta bị giam nhốt trong kiêu hãnh tự quy hay trong ghen ghét giận dữ, chúng ta kinh nghiệm cái gì thuộc về tính cách của cõi bán thiên.
Đôi khi những cá nhân có một sự trổi bật về một chiều kích trong sự cấu tạo của nó : nhiều tính thú vật hơn, hay nhiều tính quỷ đói hơn, hay nhiều tính chư thiên hơn. Nó trổi bật như một nét thống trị của tính cách họ, và có thể được nhận ra trong cách họ nói năng, đi đứng và trong những mối quan hệ của họ. Chúng ta có thể biết người luôn luôn hình như bị mắc vào cõi quỷ đói : họ không bao giờ thấy đủ, họ luôn luôn đói khát hơn nữa mọi thứ – thêm nữa bạn bè, môi trường, cuộc sống – nhưng chẳng bao giờ thỏa mãn. Hay có lẽ chúng ta biết người nào có vẻ giống như một chúng sanh địa ngục : giận dữ, thô bạo, điên dại, rối loạn. Thường hơn, người ta có những phương diện của mọi chiều kích trong con người cá thể của họ.
Vì những chiều kích của thức như vậy biểu lộ trong những xúc tình, thì việc chúng là phổ quát như thế nào trở nên rõ ràng. Chẳng hạn, mỗi văn hóa đều biết sự ghen tỵ. Hình thức xuất hiện của ghen tỵ có thể biến đổi bởi vì sự diễn tả xúc tình là một phương tiện thông tin, một ngôn ngữ bằng cử chỉ, cả hai đều do sinh học và văn hóa quyết định, và văn hóa thì sai khác. Nhưng cảm xúc ghen tỵ là như nhau ở bất kỳ nơi đâu. Trong Phật giáo cũng như đạo Bošn, tính phổ quát này được giải thích bằng và liên hệ với sự hiện hữu của các cõi.
Sáu xúc tình tiêu cực không tạo thành một danh sách đầy đủ các phiền não, nhưng vô ích khi nói rằng tại sao không có cõi nào cho buồn bã và sợ hãi. Sợ hãi có thể xảy ra trong bất kỳ cõi nào, cũng như buồn bã hay giận dữ hay ghen tỵ hay tình thương. Dù những xúc tình tiêu cực là những kinh nghiệm cảm xúc mà chúng ta có, và là những kinh nghiệm cảm xúc đặc trưng của các cõi, chúng cũng là những chủ âm tiêu biểu cho toàn thể chiều kích của kinh nghiệm, dòng tương tục từ kinh nghiệm xúc tình cá thể đến những cõi có thực. Và những chiều kích này mỗi cái đều bao trùm những khả tính rộng lớn của kinh nghiệm, gồm cả kinh nghiệm khác nhau.
Sáu phẩm tính của tâm thức được gọi là những con đường bởi vì chúng dẫn đến nơi nào đó : chúng đưa chúng ta đến những nơi chốn để tái sanh cũng như vào những lãnh vực khác nhau của kinh nghiệm trong cuộc đời này. Khi một chúng sanh đồng hóa với một trong những xúc tình tiêu cực, hay bị chúng đánh bẫy bắt, và kết quả xảy ra. Đây là cách nghiệp tác động. Thí dụ, để được sanh làm một con người, chúng ta phải đã dấn thân mạnh mẽ vào những giới luật trong những đời trước. Ngay trong văn hóa quần chúng điều này được diễn tả trong nhận xét rằng cho đến bao giờ tình thương và sự quan tâm cho những người khác trưởng thành mà một người mới được xem là “tính người trọn vẹn.”
Nếu chúng ta sống một cuộc đời mang tính chất của những xúc tình tiêu cực thù ghét hay giận dữ, chúng ta kinh nghiệm một kết quả khác : chúng ta tái sanh vào địa ngục. Điều này xảy ra thực sự, một người có thể tái sanh trong cõi địa ngục, cũng như về mặt tâm lý. Nối kết mình với chiều kích thù hận tạo ra những kinh nghiệm mà thậm chí ngay trong đời này chúng ta gọi là “địa ngục.”
Dầu những cõi có vẻ như hoang đường với người ở Tây phương, sự biểu lộ của sáu cõi có thể được nhận thấy trong chính kinh nghiệm, những giấc mơ và đời sống lúc thức, và trong cuộc sống của những người gần chúng ta. Chẳng hạn, đôi khi chúng ta cảm thấy mất mình. Chúng ta biết làm thế nào tiếp tục thói thường hàng ngày của mình, nhưng ý nghĩa thì trốn tránh chúng ta. Ý nghĩa đi đâu mất, không phải qua sự giải thoát, mà qua sự thiếu thấu hiểu. Chúng ta có những giấc mộng ở trong bùn, hay trong một chỗ tối, hay trên một đường phố không có dấu hiệu. Chúng ta vào một văn phòng không có lối ra, hay cảm thấy bối rối không biết đi hướng nào. Đây có thể là một biểu lộ của vô minh, cõi thú. (Cái vô minh này không giống như vô minh bẩm sinh, nó là một sự mờ đục, một thiếu vắng thông minh.)
Chúng ta kinh nghiệm cái gì của cõi thiên khi chúng ta mất mình trong phóng dật thích thú, hưởng thụ những thời kỳ mù sương của lạc thú và hạnh phúc. Nhưng những thời kỳ này cuối cùng rồi cũng hết. Và khi chúng còn, tỉnh giác của chúng ta phải bị bó chặt. Chúng ta phải ở trong một loại bề mặt cạn cợt và không nhìn khá sâu vào hoàn cảnh chung quanh chúng ta, không biết đến những khổ đau quanh ta. Hưởng thụ những thời kỳ thích thú trong cuộc đời của chúng ta thì cũng tốt thôi, nhưng nếu chúng ta không thực hành, không tiếp tục giải thoát chúng ta khỏi những cá tánh bản sắc bó hẹp và sai lầm, cuối cùng chúng ta sẽ đi qua thời kỳ thích thú và rơi vào một trạng thái khó khăn hơn, không chuẩn bị, nơi chúng ta có khả năng mất mình trong một loại khổ đau. Vào cuối một buổi tiệc hay một ngày rất thích thú thường có một loại hụt hẫng hay thất vọng trên đường về nhà. Hay sau một kỳ nghỉ cuối tuần hạnh phúc chúng ta có thể cảm thấy buồn chán khi trở lại công việc.
Tất cả chúng ta đều có những thời kỳ kinh nghiệm các cõi khác nhau : hạnh phúc của cõi thiên, cơn đau của tham muốn khi thấy cái gì cảm thấy cần phải có, sự nhục nhã của lòng kiêu mạn bị thương, những cơn đau nhói của ghen tỵ, tính địa ngục của cay đắng và thù hận, sự mờ đục và mê mờ của vô minh. Chúng ta di chuyển từ kinh nghiệm của một cõi này đến cõi khác dễ dàng và thường xuyên. Chúng ta thay đổi những chiều kích của kinh nghiệm và thế giới bên ngoài hình như cũng phải thay đổi đối với chúng ta. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Cũng như thế, những chúng sanh trong những cõi khác nối kết với mọi cõi ; cả hai, một con mèo và một a-tu-la bán thiên cũng kinh nghiệm giận dữ, ghen tỵ, đói khát...
Trong cuộc sống như mộng của chúng ta, chúng ta cũng kinh nghiệm sáu cõi. Như sáu xúc tình xác định phẩm tính của kinh nghiệm ban ngày, chúng tạo thành cảm giác và nội dung của những giấc mộng. Những giấc mộng thì vô số khác biệt nhưng mọi giấc mộng do nghiệp đều nối kết với một hay nhiều trong sáu chiều kích.
Dưới đây là một diễn tả về sáu cõi. Theo truyền thống, những cõi được trình bày như những diễn tả nơi chốn và chúng sanh ở đó. Những địa ngục chẳng hạn, có mười tám cái, chín địa ngục nóng và chín địa ngục lạnh. Tất cả những chi tiết của những diễn tả truyền thống là có ý nghĩa, nhưng ở đây chúng ta tập chú vào những kinh nghiệm của các cõi ngay tại đây, trong đời sống này. Chúng ta nối kết với mỗi chiều kích của kinh nghiệm một cách năng động qua một trung tâm năng lực (chakra*) trong thân thể. Nơi chốn được kê ra dưới đây. Những luân xa (chakra) là quan trọng trong nhiều thực hành khác nhau và giữ một giai trò quan trọng trong yoga giấc mộng.
Cõi Địa Ngục
Giận dữ là xúc tình hạt giống của cõi địa ngục. Khi những dấu vết nghiệp của giận dữ biểu lộ, có nhiều diễn tả như ghét bỏ, căng thẳng, phẩn nộ, chỉ trích, tranh luận và bạo động. Khi giận dữ đánh bại chúng ta, chúng ta mất tự chủ và tỉnh giác. Khi chúng ta bị mắc vào thù hận, bạo động và giận dữ, chúng ta tham dự vào cõi địa ngục.
CÕI Thiên (Devas) Bán thiên (Asuras) Người Thú Quỷ đói (Pretas) Địa ngục
XÚC TÌNH CHỦ ĐẠO Phóng dật thích thú Đố kỵ Ghen tỵ Vô minh Tham lam Thù hận
LUÂN XA Đỉnh đầu Cổ họng Tim Rốn Cơ quan sinh dục Lòng bàn chân
Trung tâm năng lực của giận dữ là trong bàn chân. Cái đối trị cho giận chỉ là tình thương trong sạch vô điều kiện, nó khởi từ vô ngã.
Theo truyền thống, những địa ngục được nói là gồm chín địa ngục nóng và chín địa ngục lạnh. Những chúng sanh sống ở đó chịu khổ vô hạn, bị hành hạ đến chết và tức thời sống lại, cứ thế trở đi trở lại mãi.
Cõi Quỷ Đói
Tham lam là xúc tình hạt giống của cõi quỷ đói (preta). Tham lam khởi lên như một cảm giác cần thiết quá độ không thể đáp ứng được. Thử thỏa mãn tham lam thì giống như khát mà uống nước muối. Khi mất mình trong tham lam chúng ta tìm kiếm bên ngoài hơn là bên trong để thỏa mãn, tuy nhiên chúng ta không bao giờ tìm thấy đủ để lấp đầy sự trống không mà chúng ta muốn trốn thoát. Cơn đói thực sự chúng ta cảm thấy là sự đói khát hiểu biết về bản tánh chân thật của chúng ta.
Tham lam phối hợp với tham muốn tình dục ; trung tâm năng lực của nó trong thân thể là luân xa phía sau bộ phận sinh dục. Rộng lượng, bố thí, sự cho đi rộng rãi cái mà những người khác cần, cởi mở nút thắt cứng cõi của tham.
Những quỷ đói theo truyền thống được hình dung là những chúng sanh với cái bụng khổng lồ, đói khát và miệng và cổ họng thì nhỏ xíu. Một số ở nơi những miền hàng trăm năm không có một ngụm nước. Những quỷ đói khác có thể tìm thấy đồ ăn và thức uống, tuy nhiên nếu lại nuốt một miếng qua miệng, thức ăn bùng cháy thành ngọn lửa trong bao tử và gây rất đau đớn. Có nhiều loại khổ đau cho quỷ đói, nhưng tất cả đều từ tính keo kiệt và chống lại sự rộng lượng của những người khác.
Cõi Thú
Vô minh là hạt giống của cõi thú. Nó được kinh nghiệm như một cảm giác bị lạc mất, mờ đục, bất định hay không tỉnh táo rõ biết. Nhiều người kinh nghiệm một sự tối tăm và buồn rầu cắm rễ trong vô minh này ; họ cảm thấy một nhu cầu nhưng thậm chí không biết mình muốn cái gì hay làm cái gì để mãn nguyện.
Luân xa phối hợp với vô minh là ở trung tâm của thân, ngang mức với rốn. Trí huệ được tìm thấy khi chúng ta xoay vào bên trong và đi đến chỗ hiểu biết bản tánh chân thật của chúng ta là sự đối trị của vô minh.
Chúng sanh trong cõi thú bị bóng tối của vô minh ngự trị. Thú vật sống trong sợ hãi, sợ thú khác và người. Những con thú lớn cũng bị hành hạ bởi côn trùng đào vào da và ở trong thịt. Thú nuôi thì bị vắt sữa, chở nặng, bị thiến, xỏ mũi, không có cách thoát. Thú vật cảm thấy khổ và sướng, nhưng chúng bị vô minh ngự trị không thể nhìn vào thân phận của chúng để tìm bản tánh chân thật của chúng.
Cõi Người
Ghen tỵ là xúc tình gốc rễ của cõi người. Khi bị ghen tỵ chiếm hữu, chúng ta muốn bám lấy và rút về mình cái chúng ta có : một ý tưởng, một sở hữu, một tương quan. Chúng ta thấy nguồn của hạnh phúc là cái gì ở ngoài chúng ta, điều này đưa chúng ta đến bám luyến mạnh mẽ hơn vào đối tượng của tham muốn.
Ghen tỵ liên hệ với trung tâm tim trong thân thể. Cái đối trị cho ghen tỵ là sự mở rộng lòng mình, cái rỗng rang khi chúng ta nối kết với bản tính chân thật của chúng ta.
Chúng ta dễ dàng quan sát sự khổ đau của cõi mình. Chúng ta kinh nghiệm sanh, già, bệnh, chết. Chúng ta phiền muộn vì biến dịch thường trực, những nỗ lực giữ gìn cái chúng ta muốn cuối cùng đều thất bại. Thay vì tùy hỷ với những hạnh phúc của những người khác, chúng ta thường làm mồi cho đố kỵ và ghen tỵ. Dù sự tái sanh làm người được xem là may mắn nhất vì con người có dịp nghe và thực hành giáo pháp, nhưng chỉ có một số nhỏ tìm thấy và lợi dụng được cơ hội vĩ đại này.
Cõi Bán-Thiên
Kiêu mạn là phiền não chính của cõi bán thiên (a-tu-la). Kiêu mạn là một cảm giác nối kết với sự thành công và thường là cục bộ, gây chiến. Có một phương diện ẩn dấu của kiêu mạn là khi chúng ta tin rằng mình tệ hơn những người khác trong một khả năng hay nét đặc biệt nào đó, một thứ tự quy tiêu cực tách lìa chúng ta với người khác.
Kiêu mạn phối hợp với luân xa cổ họng. Kiêu mạn thường biểu lộ trong hành động phẫn nộ, và cái đối trị của nó là thanh bình vĩ đại và khiêm hạ bao la khi chúng ta ở trong bản tính chân thật của chúng ta.
Những bán thiên a-tu-la hưởng thụ lạc thú và sự dồi dào nhưng họ có khuynh hướng đố kỵ và hung nộ. Họ thường đánh nhau, nhưng khổ đau lớn nhất của họ là khi họ tuyên chiến với chư thiên, những người hưởng thụ sự dồi dào còn hơn loài bán thiên. Những thiên thì nhiều quyền lực hơn bán thiên và rất khó giết. Họ luôn luôn thắng trận, và những bán thiên chịu sự hủy hoại của lòng kiêu hãnh và đố kỵ bị thương, và điều này lại dẫn họ đến chiến tranh vô vọng trở đi trở lại.
Cõi Thiên
Phóng dật thích thú là hạt giống của cõi thiên. Trong cõi thiên, năm phiền não tiêu cực cũng hiện diện, quân bình như năm giọng hòa âm của một dàn nhạc. Những thiên bị mất mình trong một cảm thức say sưa của niềm vui lười biếng và lạc thú tự quy. Họ hưởng thụ sung túc và tiện nghi lớn lao trong đời sống kéo dài cả một kiếp. Mọi nhu cầu có vẻ được thỏa mãn và mọi tham muốn được đáp ứng. Cũng đúng như đối với một số cá nhân và xã hội, chư thiên bị mắc vào lạc thú và sự theo đuổi lạc thú. Họ không có cảm thức về thực tại bên dưới kinh nghiệm của họ. Mất tăm trong những tiêu khiển và lạc thú vô nghĩa, họ bị phóng dật và không trở lại con đường giải thoát.
Nhưng hoàn cảnh cuối cùng rồi thay đổi khi những nguyên nhân nghiệp cho sự hiện hữu ở cõi thiên cạn kiệt. Khi cái chết cuối cùng rồi cũng đến gần, họ bị bạn bè và đồng nghiệp bỏ rơi, vì những thiên này không thể đối mặt với bằng chứng về bản chất phải chết của họ. Với thiên nhãn, vị thiên này thấy những điều kiện của cõi khổ mà mình bị sanh vào, và ngay trước khi chết khổ đau của đời tới đã bắt đầu.
Cõi thiên phối hợp với luân xa đỉnh đầu. Cái đối trị với niềm vui ích kỷ của chư thiên là lòng bi trùm khắp khởi lên một cách tự nhiên qua tỉnh giác về thực tại nền tảng của bản ngã và thế giới.
TẠI SAO LÀ XÚC TÌNH “TIÊU CỰC” ?
Nhiều người ở Tây phương không thoải mái khi nghe những xúc tình được đặt tên là tiêu cực, nhưng không phải rằng những xúc tình tự nó là tiêu cực. Mọi xúc tình, tình cảm giúp duy trì và cần thiết cho kinh nghiệm trọn vẹn của con người, gồm những xúc tình tham luyến, giận dữ, kiêu mạn, ghen tỵ... Không có những xúc tình chúng ta sẽ không sống trọn vẹn đầy đủ.
Tuy nhiên những xúc tình là tiêu cực tới một chừng mực mà chúng ta bị giam nhốt trong chúng và mất sự tiếp xúc với những phương diện sâu xa hơn của chúng ta. Chúng là tiêu cực nếu chúng ta phản ứng với chúng bằng bám nắm và ghét bỏ, bởi vì bấy giờ chúng ta chịu một sự bó hẹp của thức và tính cách cá nhân. Bấy giờ chúng ta gieo những hạt giống của những thân phận tiêu cực tương lai, chúng nhốt chúng ta trong những cõi khổ, nơi khó mà tiến hành hành trình tâm linh. Và kết quả này là tiêu cực khi được so sánh với một nhân cách rộng mở hơn và đặc biệt khi so sánh với sự giải thoát khỏi mọi nhân cách giả tạo và trói buộc. Bởi thế quan trọng là phải nghĩ đến những cõi không chỉ như những xúc tình mà như sáu chiều kích của thức và kinh nghiệm.
Có những khác biệt văn hóa về xúc tình. Chẳng hạn sợ hãi và buồn rầu ít được nói đến trong kinh điển, tuy nhiên hầu hết sanh tử đều nhuốm màu cả hai cái đó. Và ý niệm tự giận ghét thì ngoại lai xa lạ với người Tây Tạng, họ không có từ ngữ để diễn tả nó. Khi tôi đến Phần Lan, nhiều người nói với tôi về sự chán nản ; điều này rất ngược với Ý, nơi tôi vừa ở đó và người ta nói rất ít đến chán nản. Khí hậu, tôn giáo, truyền thống và hệ thống niềm tin điều kiện hóa chúng ta và ảnh hưởng vào kinh nghiệm của chúng ta. Nhưng cái cơ cấu tiềm ẩn làm chúng ta mắc kẹt – nắm và bỏ, phóng chiếu và sự tương tác nhị nguyên với cái chúng ta phóng chiếu – thì như nhau ở bất kỳ đâu. Đây là cái tiêu cực trong xúc tình.
Nếu chúng ta thực sự hiểu và kinh nghiệm bản tính trống không của hiện hữu, bấy giờ không có bám nắm và bởi thế không có hình thức thô hơn của xúc tình, nhưng nếu không biết (vô minh) về bản tánh chân thực của những hiện tượng, chúng ta bám nắm những phóng chiếu của tâm thức như thể chúng là thực. Chúng ta phát triển một tương quan nhị nguyên với những vọng tưởng, cảm thấy giận dữ hay tham lam hay những phản ứng khác khi liên hệ với chúng. Trong thực tại tuyệt đối không có thực thể tách biệt nào là đích cho sự giận dữ của chúng ta, hay là đối tượng cho bất kỳ xúc tình nào. Chúng ta tự tạo ra câu chuyện, những phóng chiếu và những phản ứng với những phóng chiếu đó.
Thường ở Tây phương, cái hiểu về những xúc tình được dùng theo lối tâm lý học để cố gắng cải thiện cuộc sống, con người trong sanh tử. Điều này là tốt. Tuy nhiên hệ thống Tây Tạng có một mục đích khác và tập trung hơn vào sự thấu hiểu những xúc tình để chúng ta có thể tự do khỏi sự trói buộc và những quan điểm sai lầm mà chúng ta bám chấp qua sự bám luyến thuộc xúc tình. Lại nữa, điều này không có nghĩa những xúc tình tự chúng là tiêu cực, nhưng chúng là tiêu cực trong mức độ mà chúng ta trói buộc vào chúng hay tự do với chúng.
3 Thân Thể Năng Lực
Mọi kinh nghiệm thức hay mộng đều có một căn cứ năng lực. Cái năng lực sống này, cái sinh lực này được gọi là lung* trong tiếng Tây Tạng nhưng ở Tây phương được biết nhiều hơn là danh từ Sankrit, prana*. Cơ cấu làm nền cho mọi kinh nghiệm là một sự phối hợp chính xác của nhiều điều kiện và nguyên nhân khác nhau. Nếu chúng ta có thể hiểu tại sao và như thế nào một kinh nghiệm xảy ra và nhận biết những động cơ tâm lý sinh lý và năng lực của nó, bấy giờ chúng ta có thể tạo ra những kinh nghiệm này hay biến đổi chúng. Điều này cho phép chúng ta phát sinh những kinh nghiệm nâng đỡ cho thực hành tâm linh và tránh những kinh nghiệm có hại.
NHỮNG KINH MẠCH VÀ KHÍ PRANA
Trong đời sống hàng ngày chúng ta có nhiều tư thế thân thể khác nhau mà không nghĩ đến những hiệu quả của chúng. Khi chúng ta muốn thư giãn và nói chuyện với bạn bè chúng ta đến một phòng có những cái ghế hay ghế bành. Điều này tăng cường kinh nghiệm an tĩnh và thư giãn và thuận lợi dễ dàng cho sự nói chuyện. Nhưng khi chúng ta đang hoạt động trong những thảo luận công việc chúng ta đến một văn phòng nơi có những cái ghế giữ cho chúng ta thẳng lưng hơn và kém thư giãn hơn. Điều này hỗ trợ hơn cho công việc và những nỗ lực sáng tạo. Nếu muốn nghỉ ngơi trong yên lặng chúng ta có thể đến một cổng vòm và ngồi trong một loại ghế khác để hưởng được phong cảnh và luồng gió. Khi mệt chúng ta vào phòng ngủ và dùng một tư thế hoàn toàn khác để khơi dẫn giấc ngủ.
Tương tự, chúng ta dùng nhiều tư thế thiền định khác nhau để thay đổi dòng chảy của khí trong thân bằng cách tác động những kinh mạch* (tsa*), chúng là những đường dẫn năng lực trong thân thể, và để mở những điểm tập trung năng lực, những luân xa. Làm điều này gợi ra những loại kinh nghiệm khác nhau. Nó cũng là căn cứ cho những cử động yoga. Hướng dẫn một cách có ý thức năng lực trong thân thể chúng ta cho phép một phát triển dễ và nhanh trong thực hành thiền định hơn là nó xảy ra khi chúng ta chỉ dựa vào tâm thức. Không dùng hiểu biết về khí và sự chuyển động của khí trong thân thể, tâm thức có thể trở nên mắc lầy trong những tiến trình riêng của nó.
Những kinh mạch, khí và những luân xa được tham gia vào cái chết cũng như đời sống. Hầu hết những kinh nghiệm huyền bí cũng như những kinh nghiệm trong trạng thái trung ấm sau khi chết có từ sự mở và đóng các điểm năng lực. Nhiều cuốn sách kể về những hiện tượng kinh nghiệm cận tử chứa đựng những diễn tả về những ánh sáng và những nhìn thấy mà người ta kinh nghiệm khi họ bắt đầu tiến trình cái chết. Theo truyền thống Tây Tạng, những hiện tượng này liên hệ với chuyển động của khí. Những kinh mạch phối hợp với những nguyên tố (các đại) khác nhau ; trong sự tan rã của các nguyên tố vào lúc chết, vì những kinh mạch hư hoại, năng lực được giải phóng biểu lộ thành kinh nghiệm như ánh sáng và màu sắc. Những giáo lý đi vào chi tiết, ánh sáng nào liên hệ với sự tan rã của kinh mạch nào, ở nơi nào trong thân thể, và liên quan với xúc tình nào.
Có khác biệt đáng kể trong việc những ánh sáng này xuất hiện với người ta như thế nào lúc chết, bởi vì chúng liên hệ với xúc tình tiêu cực lẫn những phương diện trí huệ tích cực của thức. Người trung bình kinh nghiệm những xúc tình khi chết, và xúc tình trổi bật xác định những màu sắc và ánh sáng xuất hiện. Ban đầu, thường chỉ có một kinh nghiệm về những ánh sáng màu trong đó một màu là chính, nhưng cũng có trường hợp vài màu nổi trội hay có một phối hợp nhiều màu. Bấy giờ ánh sáng bắt đầu tạo thành những hình ảnh khác nhau, như trong giấc mộng : những nhà cửa, lâu đài, mạn đà la, người, hóa thần, hay mọi vật khác. Khi chúng ta chết, chúng ta có thể cho những cái nhìn thấy như vậy như là thực thể thuộc sanh tử, trong trường hợp này chúng ta bị những phản ứng của chúng ta đối với chúng chế ngự và đi về sự tái sanh kế tiếp, hay như là những kinh nghiệm thiền định, điều này cho phép chúng ta cơ hội giải thoát hay ít ra khả năng ảnh hưởng bằng ý thức vào sự tái sanh tới của chúng ta trong một chiều hướng tích cực.
NHỮNG KINH MẠCH (TSA)
Có nhiều loại kinh mạch trong thân thể. Chúng ta biết những kinh mạch thô hơn nhờ nghiên cứu y học về giải phẫu, trong đó chúng ta học về những mạch máu, sự tuần hoàn của bạch huyết, hệ thống mạng thần kinh... Cũng có những kinh mạch, như được nhận biết trong châm cứu, là những ống dẫn cho những hình thức thô đặc hơn của khí. Trong yoga giấc mộng chúng ta quan tâm tới một năng lực tâm thức còn tinh tế hơn nằm dưới cả trí huệ lẫn xúc tình phiền não. Những kinh mạch chứa dẫn loại năng lực rất tinh tế này không thể định vị trong chiều kích vật lý nhưng chúng ta có thể trở nên tỉnh biết về chúng.
Có ba kinh mạch gốc. Sáu luân xa chính thì ở trên và trong chúng. Từ sáu luân xa này, ba trăm sáu mươi kinh mạch nhánh tỏa khắp thân thể. Ba kinh mạch gốc ở đàn bà là kinh mạch màu đỏ bên phải của thân, kinh mạch màu trắng ở bên trái, và kinh mạch trung ương màu xanh. Ở đàn ông kinh mạch phải màu trắng và kinh mạch trái màu đỏ. Ba kinh mạch gốc nối với nhau khoảng bốn inch (một inche : 25,4 mm) dưới rốn. Hai kinh mạch hai bên, đường kính cỡ bằng cây bút chì, đi thẳng lên hai bên và ở trước xương sống, qua não, cong lại dưới xương sọ ở đỉnh đầu và mở ra hai lỗ mũi. Kinh mạch trung ương đứng thẳng giữa chúng, trước xương sống, đường kính khoảng cây mía và hơi rộng ra từ vùng tim đến đỉnh đầu, và chấm dứt ở đó.
Kinh mạch trắng (bên phải đối với đàn ông và bên trái đối với đàn bà) là kinh mạch qua đó những năng lực của những xúc tình tiêu cực di chuyển. Đôi khi kinh mạch được xem là kinh mạch của phương tiện, phương pháp. Kinh mạch đỏ (bên trái đối với đàn ông và bên phải đối với đàn bà) là ống dẫn của những năng lực tích cực hay trí huệ. Bởi thế, trong thực hành giấc mộng, đàn ông ngủ bên phía phải và đàn bà ngủ bên phía trái để đặt sức ép lên kinh mạch trắng và như thế đóng bớt nó lại trong khi mở rộng kinh mạch đỏ trí huệ. Điều này cho những kinh nghiệm giấc mộng tốt hơn, bao gồm một kinh nghiệm xúc tình tích cực và sự sáng tỏ lớn hơn.
Kinh mạch màu xanh trung ương là kinh mạch của bất nhị. Chính trong kinh mạch trung ương mà năng lực của tánh giác bổn nguyên (rigpa) di chuyển. Thực hành giấc mộng cuối cùng đem ý thức và khí vào kinh mạch trung ương, nơi nó vượt khỏi cả kinh nghiệm tiêu cực và tích cực. Khi điều này xảy ra, hành giả chứng ngộ sự hợp nhất của mọi nhị nguyên bề ngoài. Thông thường khi người ta có những kinh nghiệm huyền bí, những kinh nghiệm lớn của lạc hay tánh không hay sáng tỏ hay rigpa, chúng đều đặt nền trong kinh mạch trung ương về mặt năng lực.
KHÍ (LUNG, PRANA)
Mộng là một tiến trình năng động. Khác với những hình ảnh tĩnh của phim mà chúng ta dùng như một thí dụ, những hình ảnh của giấc mộng thì trôi chảy : chúng chuyển động, người nói, âm thanh rung vang, cảm giác sống động. Nội dung của giấc mộng được tạo thành bởi tâm thức, nhưng nền tảng của sự sống động của giấc mộng là khí. Chữ dịch nghĩa đen theo Tây Tạng danh từ prana, lung, là “gió”, nhưng gọi nó là sức mạnh sinh khí thì có nhiều nghĩa diễn tả hơn.
Khí là năng lực nền tảng của mọi kinh nghiệm, của mọi đời sống. Ở Đông phương, người ta thực hành những tư thế yoga và những thực tập thở khác nhau để làm mạnh và tinh lọc sức mạnh sinh khí hầu làm cân bằng thân và tâm. Một số giáo lý bí truyền Tây Tạng diễn tả hai loại khí khác nhau : khí nghiệp và khí trí huệ.
Khí Nghiệp
Khí nghiệp (khí thuộc nghiệp) là căn cứ năng lực của những dấu vết nghiệp, những dấu vết nghiệp này là kết quả của mọi hành động tích cực, tiêu cực và trung tính. Khi những dấu vết nghiệp được sống động bởi những nguyên nhân phụ thích hợp, khí nghiệp bồi bổ năng lực cho chúng và cho phép chúng có một hiệu quả trong tâm, thân và những giấc mộng. Khí nghiệp là sinh lực của cả hai năng lực tích cực và tiêu cực trong cả hai kinh mạch trên.
Khi tâm thức không vững chắc, phóng dật hay không tập chú, khí nghiệp chuyển động. Chẳng hạn khi một xúc tình khởi và tâm thức không có sự kiểm soát nó, khí nghiệp chở tâm thức đến bất kỳ chỗ nào nó muốn. Sự chú ý của chúng ta di chuyển đây đó, bị thúc đẩy bởi ghét bỏ và tham muốn.
Khai triển sự vững chắc nội tâm là cần thiết trên con đường tâm linh, để làm cho tâm thức mạnh mẽ, hiện diện và tập chú. Bấy giờ, dù khi những lực lượng của những xúc tình tiêu cực khởi lên, chúng ta không bị cuốn vào phóng dật bởi những khí nghiệp. Trong yoga giấc mộng, một khi chúng ta đã phát triển khả năng có những giấc mộng sáng sủa minh bạch, chúng ta phải vững chắc đủ trong hiện diện để ổn định những giấc mơ do sự chuyển động của khí nghiệp tạo ra và để phát triển sự kiểm soát đối với giấc mộng. Cho đến khi sự thực hành được phát triển, những người nằm mộng đôi khi kiểm soát giấc mộng và đôi khi giấc mộng kiểm soát người nằm mộng.
Dù một số nhà tâm lý học Tây phương tin rằng người nằm mộng không nên kiểm soát giấc mộng, theo những giáo lý Tây Tạng đây là một quan điểm sai lầm. Người nằm mộng mà minh bạch tỉnh táo để kiểm soát giấc mộng thì tốt hơn người nằm mộng bị mộng. Cũng đúng như thế với những tư tưởng : người tư tưởng kiểm soát những tư tưởng thì tốt hơn để cho những tư tưởng kiểm soát người tư tưởng.
Ba Loại Khí Nghiệp
Một số bản văn yoga Tây Tạng diễn tả ba loại khí nghiệp : khí mềm mại, khí thô và khí trung tính. Khí mềm mại để chỉ khí trí huệ thiện, nó lưu chuyển qua kinh mạch trí huệ màu đỏ. Khí thô để chỉ khí của xúc tình tiêu cực, nó lưu chuyển qua kinh mạch màu trắng. Trong sự xếp loại này, cả hai khí trí huệ thiện và khí xúc tình đều là khí thuộc nghiệp.
Khí trung tính là không thiện cũng không ác, nhưng nó vẫn là khí nghiệp. Nó ở khắp thân thể. Kinh nghiệm về khí trung tính đưa hành giả đến kinh nghiệm về khí bổn nguyên tự nhiên, nó không phải là khí nghiệp mà là năng lực của rigpa bất nhị trú trong kinh mạch trung ương.
Khí Trí Huệ
Khí trí huệ (ye-lung), không phải là khí nghiệp. Không nên lầm lẫn nó với khí nghiệp trí huệ thiện nói ở trên.
Trong khoảnh khắc đầu tiên của bất kỳ kinh nghiệm nào, trước khi một phản ứng xảy ra, lúc ấy chỉ có tri giác thanh tịnh. Khí tham dự vào kinh nghiệm thanh tịnh này là khí trí huệ bổn nguyên, năng lực làm nền cho cái kinh nghiệm trước khi và tự do khỏi bám lấy và ghét bỏ. Kinh nghiệm thanh tịnh này không để lại một dấu vết và không là nguyên nhân của giấc mộng nào. Khí trí huệ lưu chuyển trong kinh mạch trung ương và là năng lực của rigpa. Khoảnh khắc này là rất ngắn ngủi, một tia chớp của kinh nghiệm thanh tịnh thuần khiết về cái mà chúng ta thường không thức giác. Chính trong khoảnh khắc này mà phản ứng bám lấy và ghét bỏ của chúng ta khởi lên, và sự khởi lên đó chúng ta lại nghĩ là phản ứng của chúng ta.
Hoạt Động của Khí
Vị thầy Tây Tạng Longchenpa nói trong một bản văn rằng có 21.600 chuyển động của khí trong chỉ một ngày. Dầu có theo nghĩa đen hay không, nhận xét này chỉ ra hoạt động khổng lồ của khí và tư tưởng xảy ra mỗi ngày.
QUÂN BÌNH KHÍ
Đây là một thực hành đơn giản để quân bình khí : Đàn ông dùng ngón tay trái đeo nhẫn để bịt lỗ mũi bên trái và thở mạnh ra qua lỗ mũi phải. Hãy tưởng tượng rằng mọi căng thẳng và xúc tình tiêu cực trôi ra ngoài theo hơi thở ra. Rồi bịt lỗ mũi phải với ngón tay đeo nhẫn phải và thở vào thật sâu, thật nhẹ và êm, qua lỗ mũi trái. Sau khi thở vào hãy để cho tất cả không khí, khí prana, thấm khắp toàn thân bạn khi bạn giữ lại trong hơi thở trong một thời gian ngắn. Rồi nhẹ nhàng thở ra và ở yên trong một trạng thái bình an.
Đàn bà thì làm ngược lại. Bắt đầu bằng bịt lỗ mũi phải với ngón tay đeo nhẫn phải và thở ra mạnh qua lỗ mũi trái, làm trống không phổi. Rồi bịt lỗ mũi trái với ngón tay đeo nhẫn trái, thở vào êm nhẹ và sâu qua lỗ mũi phải, hít vào khí trí huệ bình an. Hãy ở yên trong sự bình an thấm khắp thân thể. Rồi nhẹ nhàng thở ra và ở yên trong một trạng thái bình an.
Lập lại nhiều lần điều này sẽ làm quân bình năng lực. Khí xúc tình thô bị thở ra khỏi kinh mạch trắng và khí trí huệ phúc lạc được thở vào qua kinh mạch đỏ. Hãy để cho khí trung tính tràn khắp toàn thân. An trụ trong sự bình an này.
KHÍ VÀ TÂM THỨC
Mọi giấc mộng đều liên hệ với một hay vài cõi trong sáu cõi. Sự nối kết về năng lực giữa tâm thức và cõi được tạo thành qua những nơi chốn đặc biệt trong thân. Điều ấy như thế nào ? Chúng ta nói rằng thức thì vượt khỏi hình dạng, màu sắc, thời gian, xúc chạm, thế thì làm sao nó có thể nối kết với nơi chốn ? Tâm thức nền tảng thì vượt khỏi phân biệt như vậy, nhưng những phẩm tính khởi lên trong thức thì bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng của kinh nghiệm.
Chúng ta có thể tự mình nhìn vào câu trả lời này. Hãy đi đến một nới nào yên bình, một ngôi chùa đẹp đẽ, một hang động xanh tươi, hay một con suối nhỏ. Khi chúng ta đi vào một nơi như thế, thì như thể một ban phước đã được nhận. Phẩm tính của kinh nghiệm được ảnh hưởng bởi vì môi trường vật chất ảnh hưởng trạng thái tâm thức. Điều này cũng đúng với những ảnh hưởng tiêu cực. Khi thăm viếng một nơi chốn đã có những cuộc thảm sát, chúng ta trở nên không thoải mái ; chúng ta nói chỗ ấy có “năng lực xấu.”
Những Kinh Mạch
Điều y như vậy cũng đúng ở bên trong, trong thân thể chúng ta. Khi chúng ta nói về việc đem tâm thức đến một luân xa, chẳng hạn luân xa tim, chúng ta muốn nói điều gì ? Tâm thức ở một chỗ nào có nghĩa là gì ? Tâm thức không phải là cái gì có thể được cho ở theo nghĩa nó không thể được chứa đựng trong một vùng nhỏ. Khi chúng ta “đặt” tâm thức ở đâu đó, chúng ta đang đặt sự chú ý của chúng ta : chúng ta tạo ra những hình ảnh trong tâm thức chúng ta hay hướng sự chú ý đến một đối tượng cảm giác. Khi chúng ta tập chú tâm thức vào một cái gì, đối tượng để tập chú ảnh hưởng vào phẩm tính của tâm thức và có những sự thay đổi tương ứng trong thân thể.
Nguyên lý này làm nền cho những thực hành chữa bệnh sử dụng năng lực tinh thần. Quán tưởng dẫn chúng ta đến những đổi thay trong thân thể chúng ta. Sự nghiên cứu của Tây phương đang chứng minh chân lý của tuyên bố này, và y học Tây phương bây giờ đang dùng sức mạnh quán tưởng thậm chí đối với những bệnh trầm trọng như ung thư. Truyền thống Bošn về chữa bệnh thường dùng sự quán tưởng những nguyên tố : lửa, nước và gió. Hơn là nhằm vào những triệu chứng của bệnh, người Tây Tạng thường tìm cách tịnh hóa sự bị điều kiện hóa tiềm ẩn của tâm thức, những xúc tình tiêu cực và những dấu vết nghiệp chúng được tin là đã tạo ra những nguồn gốc của bệnh.
Thí dụ chúng ta có thể quán tưởng lửa mạnh để đáp lại một bệnh. Chúng ta quán tưởng những hình tam giác đỏ và cố gắng kinh nghiệm sức nóng qua tưởng tượng – mãnh liệt như sanh ra từ một núi lửa – chạy qua thân thể chúng ta như những sóng lửa. Chúng ta có thể làm một thực tập thở đặc biệt để phát sinh thêm sức nóng. Theo cách này, chúng ta dùng tâm thức và những hình ảnh của nó để ảnh hưởng vào thân thể, những xúc tình và năng lực. Và có một kết quả dù cho chúng ta không đụng chạm gì đến thế giới bên ngoài. Cũng như y học Tây phương dùng sự chữa trị bằng phóng xạ để đốt cháy tế bào ung thư, chúng tôi dùng lửa bên trong để đốt cháy những dấu vết nghiệp. Để cho sự thực hành có hiệu quả, ý định phải rõ ràng trong sáng càng tốt. Đó không chỉ là một tiến trình máy móc, mà là một tiến trình dùng sự hiểu biết về nghiệp, tâm thức và khí để hỗ trợ việc chữa lành. Sự thực hành này có ưu thế là giải quyết nguyên nhân của bệnh hơn là những triệu chứng, và khỏi bị những hiệu ứng phụ. Dĩ nhiên, cũng tốt khi lợi dụng được y học Tây phương khi có thể. Hơn là tự giới hạn mình trong một hệ thống riêng biệt, tốt hơn là dùng bất cứ cái gì ích lợi.
NHỮNG LUÂN XA
Trong thực hành giấc mộng, chúng ta hướng sự chú ý của chúng ta vào những vùng khác nhau trong thân : những luân xa ở cổ họng, giữa hai lông mày, tim và luân xa bí mật nằm sau bộ phận sinh dục. Một luân xa là một bánh xe của năng lực, một tổ hợp những nối kết. Những kinh mạch của năng lực gặp gỡ ở những nơi đặc biệt trong thân ; những sự tiếp hợp của những kinh mạch tạo thành những khuôn mẫu năng lực là những luân xa. Những luân xa chính yếu là chỗ nơi nhiều kinh mạch nối nhau.
Những luân xa không thực sự giống những hình vẽ về chúng, những hoa sen mở và đóng, có một số cánh nhất định và một màu sắc nhất định. Những hình ảnh như vậy chỉ là những nâng đỡ tượng trưng dành cho tâm thức – như những bản đồ – chúng ta dùng để giúp tập chú vào những khuôn mẫu của năng lực hiện hữu ở nơi những luân xa. Những luân xa vốn được khám phá qua thực hành, qua những chứng nghiệm của các hành giả khác nhau. Khi những hành giả này ban đầu có những kinh nghiệm về các luân xa, không có ngôn ngữ có thể diễn tả những khám phá của họ cho những người chưa có cùng những kinh nghiệm tương tự. Những hình ảnh được tạo ra, chúng có thể được dùng như những ẩn dụ thuộc thị giác để người khác có thể liên hệ với chúng. Những hình ảnh hoa sen khác nhau chẳng hạn gợi ra rằng năng lực xung quanh một luân xa triển nở và thu lại như sự mở và đóng của một bông hoa. Một luân xa được cảm thấy khác với luân xa khác và những khác biệt này được tượng trưng bằng những màu khác nhau. Những kinh nghiệm tập trung khác biệt và những phức tạp của năng lực trong những luân xa sai khác được tượng trưng bằng con số khác nhau các cánh hoa. Những ẩn dụ về thị giác này trở thành ngôn ngữ được dùng để nói đến những kinh nghiệm về những trung tâm năng lực trong thân thể. Khi một hành giả sơ cơ quán tưởng đúng số cánh hoa ở đúng chỗ trong thân, với màu sắc đúng, bấy giờ sức mạnh của tâm thức tác dụng lên điểm năng lực đặc biệt ấy và bị ảnh hưởng bởi điều ấy. Khi điều này xảy ra, chúng ta nói rằng tâm thức và khí được hợp nhất trong luân xa.
CON NGỰA MÙ, NGƯỜI CỠI QUÈ
Ban đêm khi chúng ta đi ngủ, thường thường chúng ta làm như thế với ít cảm thức về cái gì đang xảy ra. Chúng ta chỉ cảm thấy mệt mỏi, nhắm mắt và trôi dạt đâu mất. Chúng ta có thể có một ý niệm về giấc ngủ – máu trong não, kích thích tố, hay thứ gì như vậy – nhưng tiến trình thực sự của việc rơi vào giấc ngủ cũng là bí mật và chưa được khám phá.
Truyền thống Tây Tạng giải thích tiến trình rơi vào giấc ngủ khi dùng một ẩn dụ cho tâm thức và khí. Thường thì khí được so sánh với một con ngựa mù và tâm thức với một người không thể đi. Nếu riêng rẽ, chúng chẳng làm được gì cả, nhưng hợp với nhau chúng tạo thành một đơn vị có công dụng. Khi con ngựa và người cỡi hợp chung với nhau, chúng bắt đầu chạy, thường với một ít kiểm soát về chỗ chúng đi. Chúng ta biết điều này từ chính kinh nghiệm của mình : chúng ta có thể “đặt” tâm thức vào một luân xa bằng cách đem chú ý vào chỗ ấy, nhưng không dễ giữ tâm thức trong một chỗ nào. Tâm thức luôn luôn động, sự chú ý của chúng ta đi đây đi kia. Bình thường, trong chúng sanh thuộc sanh tử, con ngựa và người cỡi chạy một cách mù lòa qua một trong sáu chiều kích của thức, một trong sáu trạng thái phiền não.
Chẳng hạn, khi chúng ta rơi vào giấc ngủ, tỉnh giác về thế giới giác quan bị mất. Tâm thức bị đem đi đây đó trên con ngựa mù của khí nghiệp cho đến khi nó tập chú được vào một luân xa đặc biệt nơi đó nó bị ảnh hưởng bởi một chiều kích đặc biệt của thức. Có thể bạn có một tranh cãi với người bạn đời và tình huống đó (điều kiện phụ) làm kích hoạt một dấu vết nghiệp phối hợp với luân xa tim, điều này đẩy tâm thức bạn vào chỗ ấy trong thân thể. Hoạt động từ đó của tâm thức và khí biểu lộ trong những hình ảnh và câu chuyện đặc biệt của giấc mộng.
Tâm thức không phải được dẫn một cách ngẫu nhiên đến luân xa này hay luân xa kia, mà hơn nữa được kéo đến những nơi chốn trong thân thể và những hoàn cảnh trong đời sống cần sự chú ý và chữa lành. Trong thí dụ trên, chính là luân xa tim kêu gọi sự trợ giúp. Dấu vết làm phiền nhiễu sẽ được chữa lành bằng cách biểu lộ trong giấc mộng và nhờ đó bị cạn kiệt. Tuy nhiên, trừ phi sự biểu lộ xảy ra khi người nằm mộng đang tập trung và tỉnh thức, còn không những phản ứng với giấc mộng đó sẽ bị quy định bởi những khuynh hướng nghiệp theo thói quen và sẽ tạo thêm những hạt giống nghiệp nữa.
Chúng ta có thể nghĩ đến một máy điện toán như một so sánh. Những luân xa thì giống như những hộc lưu trữ khác nhau. Hãy bật lệnh “Khí và tâm thức”, và rồi mở hộp lưu trữ luân xa tim. Thông tin trong hộp lưu trữ – những dấu vết nghiệp phối hợp với luân xa tim – được trình bày trên màn hình của tỉnh giác. Điều này giống như sự biểu lộ của giấc mộng.
Bấy giờ có lẽ một hoàn cảnh trong giấc mộng moi ra một đáp ứng khác làm kích hoạt một xúc tình khác. Lúc này giấc mộng trở thành nguyên nhân phụ cho phép một dấu vết nghiệp khác biểu lộ. Giờ đây tâm thức du hành xuống trung tâm rốn và đi vào một cõi kinh nghiệm khác. Tính cách của giấc mộng thay đổi. Bạn không ghen tỵ nữa ; thay vào đó bạn ở trên một con đường không có dấu hiệu hay một nơi tối tăm. Bạn lạc mất mình. Bạn cố gắng đi đến một nơi nào nhưng bạn không tìm ra đường. Bạn đang ở trong cõi thú, chiều kích nối kết nhất với vô minh.
Một cách căn bản, đấy là nội dung của giấc mộng được tạo thành như thế nào. Tâm thức và khí được kéo đến những luân xa khác nhau trong thân thể ; bị ảnh hưởng bởi những dấu vết nghiệp phối hợp, những kinh nghiệm thuộc nhiều loại chiều kích khởi lên trong tâm thức như tính cách và nội dung của giấc mộng. Chúng ta có thể dùng cái hiểu này để nhìn vào những giấc mộng của chúng ta một cách khác hơn, để nhận xét xúc tình nào và cõi nào đang nối kết với giấc mộng. Cũng ích lợi để hiểu rằng mỗi giấc mộng cho chúng ta một cơ hội dành cho sự chữa lành và thực hành tâm linh.
Cuối cùng chúng ta muốn ổn định tâm thức và khí trong kinh mạch trung ương hơn là cho phép tâm thức bị kéo đến một luân xa riêng biệt. Kinh mạch trung ương là căn cứ năng lực của những kinh nghiệm về rigpa, và những thực hành mà chúng ta làm trong yoga giấc mộng là đem tâm thức và khí vào kinh mạch trung ương. Khi điều này xảy ra, chúng ta ở trong tỉnh giác trong sáng và hiện diện mạnh mẽ. Mộng trong kinh mạch trung ương là mộng mà thoát khỏi những ảnh hưởng mạnh mẽ của xúc tình tiêu cực. Nó là một tình huống quân bình cho phép những giấc mộng của hiểu biết và sự sáng tỏ biểu lộ.
4 Tóm Tắt : Những Giấc Mộng Khởi Lên Như Thế Nào
Trước khi chứng ngộ, bản tánh chân thật của cá nhân bị che ám bởi vô minh gốc rễ, vô minh này làm cho tâm thức ý niệm sanh ra. Bị mắc bẫy vào cái nhìn thấy nhị nguyên, tâm thức ý niệm phân chia sự nhất thể không dấu vết chia cắt của kinh nghiệm thành những thực thể ý niệm và rồi liên hệ với những phóng chiếu tâm trí này như thể chúng hiện hữu một cách bẩm sinh là những chúng sanh và sự vật riêng biệt. Cái nhị nguyên hàng đầu ban sơ phân chia kinh nghiệm thành ta và người, tôi và cái khác, và từ sự đồng hóa chỉ với một mặt của kinh nghiệm, cái ngã, những quý chuộng phát triển. Điều này đưa đến sự khởi sanh của ghét bỏ và tham luyến, nó trở nên căn cứ cho những hành động cả vật chất lẫn tâm thức. Những hành động này (karma : nghiệp) để lại những dấu vết trong tâm thức cá nhân như những khuynh hướng bị điều kiện hóa, đưa đến nhiều hơn bám lấy và ghét bỏ, điều này dẫn đến những dấu vết nghiệp mới, và cứ thế. Đây là vòng tự triển chuyển kéo dài không dứt của nghiệp.
Trong giấc ngủ tâm thức rút khỏi thế giới giác quan. Những dấu vết nghiệp được kích thích bởi những nguyên nhân phụ cần thiết cho sự biểu lộ của chúng có một sức mạnh hay năng lực, đó là khí nghiệp. Giống như con ngựa và người cỡi trong ẩn dụ, tâm thức “cỡi” khí nghiệp đến trung tâm năng lực liên hệ với dấu vết nghiệp đã được làm cho sinh động. Đó là cái thức trở nên tập chú vào một luân xa riêng biệt.
Trong trò chơi với nhau này của tâm thức, năng lực và ý nghĩa, thức làm biểu lộ và bị ảnh hưởng bởi những dấu vết nghiệp và những phẩm tính của cõi phối hợp. Khí nghiệp là năng lực của giấc mộng, cái sinh lực, trong khi tâm thức dệt những biểu lộ đặc biệt của những dấu vết nghiệp – màu sắc, ánh sáng, những xúc tình và hình ảnh – thành câu chuyện có ý nghĩa là giấc mộng. Đây là tiến trình tạo thành giấc mộng sanh tử.
5 Những Hình Ảnh từ Tantra Mẹ
Trong những giáo lý Đại Toàn Thiện (Dzogchen), chủ đề luôn luôn là chúng ta có nhận biết hay không bản tánh chân thật của chúng ta và có hiểu hay không rằng những phản chiếu của bản tánh ấy biểu lộ như kinh nghiệm. Giấc mộng là một phản chiếu của tự tâm chúng ta. Điều này dễ tin sau khi chúng ta tỉnh dậy, như chư Phật biết – sau khi các ngài giác ngộ rằng những thực thể và đối tượng của sanh tử là như huyễn. Và cũng như dùng sự thực hành để nhận biết bản chất huyễn của giấc mộng khi ngủ, chúng ta phải thực hành để chứng ngộ bản chất huyễn của đời sống lúc thức. Với một hiểu biết nào đó về những giấc mộng khởi lên như thế nào, sẽ dễ hiểu hơn “huyễn” và “vô tự tánh” có nghĩa là gì, và điều quan trọng là cũng dễ áp dụng cái hiểu này vào kinh nghiệm của chúng ta hơn. Tiến trình theo đó kinh nghiệm khởi lên thì như nhau trong mộng cũng như lúc thức. Thế giới là giấc mộng, thầy dạy và giáo lý là một giấc mộng, kết quả của sự thực hành của chúng ta là một giấc mộng ; không có nơi nào mà giấc mộng bị phá vỡ cho đến khi nào chúng ta được giải thoát vào tánh giác rigpa thanh tịnh. Cho đến khi đó, chúng ta tiếp tục mộng thành chính chúng ta và những cuộc đời của chúng ta trong cả hai chiều kích giấc mộng và thế giới “vật chất.”
Không biết làm thế nào làm việc với tư tưởng có nghĩa là người ta bị những tư tưởng kiểm soát, cai trị. Biết làm thế nào làm việc với tư tưởng nghĩa là tư tưởng được đem vào tỉnh giác và được sử dụng hoặc cho những mục tiêu tích cực và hành động đức hạnh hay được giải thoát vào trong tinh túy trống không của nó. Đây là cách tư tưởng được dùng trong con đường như thế nào. Cùng cách đó, chúng ta có thể đem mê lầm vọng tưởng, khổ đau và bất kỳ kinh nghiệm nào vào con đường. Nhưng để làm thế, chúng ta phải hiểu rằng tinh túy, bản tánh của tất cả mọi cái khởi sanh là trống không. Khi chúng ta làm được như vậy, bấy giờ mỗi một khoảnh khắc của đời sống là tự do, giải thoát và mọi kinh nghiệm là thực hành tâm linh : mọi âm thanh là thần chú, mọi hình sắc là tánh không thanh tịnh, và mọi khổ đau là giáo lý. Đây là cái có nghĩa là “chuyển hóa vào con đường.”
Trực tiếp thấu hiểu rằng giận dữ không có căn cứ khách quan nào cả mà chỉ là một phản chiếu của tâm thức, như một giấc mộng, nút thắt của giận dữ mở ra và nó không cột trói được nữa. Khi chúng ta chứng ngộ rằng cái làm cho chúng ta sợ như một con rắn chỉ là một sợi dây thừng mà ta đã tri giác lầm, quyền lực của hình tướng của nó biến mất. Hiểu rằng những hình tướng là sự sáng rỡ trống không dẫn đến sự nhận biết rằng tâm thức và kinh nghiệm là một thể thống nhất.
Có một từ Tây Tạng, lhun drub, dịch là “sự toàn thiện tự nhiên.” Nó có nghĩa là không có người tạo tác tạo ra cái gì cả. Mọi sự thì đúng y như chúng vốn là, tự nhiên khởi lên từ nền tảng như một biểu lộ toàn thiện của tánh không và sự sáng tỏ. Một viên pha lê không làm ra ánh sáng : chức năng tự nhiên của nó là đơn giản phát ra ánh sáng. Tấm gương không chọn lựa khuôn mặt để phản chiếu : bản chất của nó là phản chiếu mọi sự. Khi chúng ta hiểu rằng mọi sự đang sanh khởi, gồm cả cảm thức quy ước của chúng ta về cái ngã, chỉ là một phóng chiếu của tâm thức, ngay khi ấy chúng ta giải thoát. Không có cái hiểu này thì cũng như chúng ta cho một ảo ảnh là thật, một tiếng vang là một âm thanh không phải của chúng ta phát ra. Cảm thức chia cách thật là mạnh mẽ và chúng ta trở thành bị mắc bẫy trong một thứ nhị nguyên huyễn ảo.
Tantra Mẹ, một trong những bản văn quan trọng nhất của đạo Bošn, cho chúng ta những thí dụ, những tương tợ và những ẩn dụ mà chúng ta có thể suy nghĩ cân nhắc để hiểu tốt hơn bản chất huyễn ảo của cả giấc mộng và đời sống lúc thức.
Phản ảnh. Giấc mộng là một phóng chiếu của tâm thức của chính chúng ta. Nó không khác với tâm thức, như một tia sáng của mặt trời không khác với ánh sáng của mặt trời. Không biết điều này, chúng ta dấn thân vào giấc mộng như thể nó là thực, như một con sư tử gầm gừ với chính cái mặt của nó phản chiếu trong nước. Trong một giấc mộng, bầu trời là tâm thức chúng ta, núi non là tâm thức chúng ta ; những bông hoa, sô-cô-la ta ăn, người khác, tất cả là tự tâm chúng ta phản ảnh trở lại cho chúng ta.
Sấm chớp. Trong bầu trời đêm, sấm chớp lóe lên. Thình lình những núi non được chiếu sáng, mỗi đỉnh núi có vẻ là một vật thể riêng biệt, nhưng cái chúng ta thực sự kinh nghiệm là một tia chớp độc nhất của ánh sáng phản chiếu trở lại mắt chúng ta. Cũng thế, những đối tượng có vẻ riêng biệt trong một giấc mộng thực ra là ánh sáng độc nhất của tâm thức chúng ta, ánh sáng của rigpa.
Cầu vồng. Như một cầu vồng, giấc mộng có thể đẹp đẽ và hấp dẫn. Nhưng nó không có bản chất ; nó là một sự phô diễn của ánh sáng và tùy thuộc vào vị trí gần xa của người quan sát. Nếu chúng ta đuổi bắt nó ; không có cái gì ở đó cả. Giấc mộng giống như cầu vồng, là một phối hợp những điều kiện từ đó mọi ảo tưởng khởi sanh.
Mặt trăng. Giấc mộng giống như một mặt trăng phản chiếu trong nhiều chỗ có nước khác nhau – trong ao, giếng, biển, sông – và trong nhiều cửa sổ khác nhau của một thành phố, và trong nhiều thủy tinh khác nhau. Mặt trăng không phân thành vô số. Duy nhất chỉ có một mặt trăng, cũng như nhiều đối tượng của một giấc mộng chỉ là một bản tánh, một tinh túy.
Ảo thuật. Một nhà ảo thuật có thể làm cho một hòn đá độc nhất trước tiên xuất nhiện như là một con voi, rồi một con rắn, rồi một con cọp. Nhưng những đối tượng khác nhau ấy chỉ là huyễn, như những đối tượng trong một giấc mộng được làm ra từ ánh sáng của tâm thức.
Ảo ảnh. Do những nguyên nhân phụ chúng ta có thể thấy một ảo ảnh trong sa mạc, một thành phố hay một cái hồ. Nhưng khi đến gần chúng ta chúng ta không tìm thấy cái gì ở đó cả. Khi chúng ta xét nghiệm những hình ảnh của một giấc mộng, chúng cũng như ảo ảnh, chỉ là những ảo tưởng không có bản chất, chỉ là trò chơi của ánh sáng.
Tiếng vang. Nếu chúng ta tạo ra một âm thanh ầm ĩ nơi có những điều kiện cho những vang dội, một âm thanh ầm ĩ trở lại chúng ta ; một âm thanh êm ả trở lại một âm thanh êm ả ; và một tiếng kêu lạ lùng trở về với chúng ta là một tiếng kêu lạ lùng. Âm thanh chúng ta nghe trở lại là âm thanh chúng ta làm ra, cũng như nội dung của một giấc mộng có vẻ độc lập với chúng ta nhưng chỉ là nội dung phóng chiếu của tâm thức chúng ta trở lại với chúng ta.
Những thí dụ này nhấn mạnh sự không có hiện hữu tự thân (vô tự tánh) và sự thống nhất của kinh nghiệm và người kinh nghiệm. Trong kinh điển chúng ta gọi điều này là “tánh không”, trong tantra là “huyễn”, và trong Đại Toàn Thiện là “khối đơn nhất”. Cái ngã và đối tượng của kinh nghiệm không phải là hai sự vật. Thế giới bên trong và bên ngoài là sự biểu lộ của chính chúng ta. Chúng ta đều chia xẻ cùng một thế giới vì chúng ta chia xẻ cùng một nghiệp tập thể. Chúng ta thấy những hiện tượng của kinh nghiệm như thế nào sẽ xác định những loại kinh nghiệm chúng ta có và chúng ta phản ứng với kinh nghiệm như thế nào. Chúng ta tin vào cái nhìn thấy của chúng ta về các thực thể như là chúng có hiện hữu nội tại bẩm sinh và chúng sống như những chúng sanh và sự vật riêng biệt. Khi chúng ta tin có cái gì đó thực sự ở kia, bấy giờ nó hiện hữu ! Niềm tin ấy có quyền lực tác động đến chúng ta. Chúng ta tạo ra cái thế giới mà chúng ta sẽ phản ứng với nó.
Khi chúng ta thôi hiện hữu, cái thế giới chúng ta tạo ra sẽ tan biến, chứ không phải cái thế giới những người khác đang ở. Tri giác của chúng ta và cách thức chúng ta thấy mọi sự sẽ diệt mất đối với chúng ta. Nếu chúng ta làm tan biến tâm thức ý niệm của chúng ta, sự thanh tịnh nền tảng sẽ biểu lộ một cách tự nhiên. Khi chúng ta trực tiếp biết rằng không có hiện hữu nội tại bẩm sinh trong bản ngã chúng ta và trong thế giới, bấy giờ bất cứ cái gì khởi lên trong kinh nghiệm đều không có quyền lực nào trên chúng ta. Khi con sư tử lầm phản ảnh của nó trong nước là cái gì thật, nó hoảng hốt và gầm gừ ; khi chúng ta hiểu bản chất huyễn của cái phản ảnh, chúng ta không phản ứng với sợ hãi nữa. Không có cái hiểu chân thật, chúng ta phản ứng với những phóng chiếu như huyễn của tự tâm chúng ta bằng bám nắm và ghét bỏ và tạo ra nghiệp. Khi chúng ta biết bản tánh chân thật và trống không, chúng ta tự do.
VIỆC DẠY NHỮNG ẨN DỤ
Tantra Mẹ nói rằng vô minh của giấc ngủ bình thường thì giống như một phòng tối. Tỉnh giác là ngọn lửa của một cây đèn. Khi ngọn đèn được thắp lên, bóng tối bị trừ diệt và căn phòng được sáng tỏ.
Giáo huấn qua những biểu tượng và ẩn dụ là cách quyền năng nhất để thông tin những giáo lý tâm linh trong ngôn ngữ. Nhưng chính một cách dùng ngôn ngữ mà chúng ta phải học để hiểu. Thường thường, tôi thấy rằng những học trò gặp những khó khăn với những ẩn dụ, thế nên tôi muốn thêm vào phần ghi chú này về cách làm sao tốt nhất để làm việc với những ẩn dụ và hình ảnh tượng trưng.
Trong những giáo lý dùng ngôn ngữ để gợi lên kinh nghiệm giác quan thì hữu dụng hơn là những giải thích về những ý niệm kỹ thuật và trừu tượng. Dù kinh nghiệm đích thực không thể được thông tin dễ dàng trong bất kỳ ngôn ngữ nào, những hình ảnh được dùng trong những giáo lý là ích lợi khi chúng được tri giác hơn là chỉ bằng tâm thức ý niệm. Những ẩn dụ này cần phải được kinh nghiệm, như những hình ảnh trong thi ca. Chúng cần được ngẫm nghĩ, suy tư, thể nghiệm và hội nhập vào kinh nghiệm.
Chẳng hạn, khi chúng ta nghe nói từ “lửa”, chúng ta có thể ít chú ý. Nhưng bám vào nó, cho phép hình ảnh nổi lên đằng sau danh từ, chúng ta thấy lửa, chúng ta biết sức nóng. Bởi vì chúng ta đều biết lửa hơn là chỉ biết một ý niệm trừu tượng – bởi vì tất cả chúng ta đều đã thấy ngọn lửa và cảm thấy sức nóng của nó trên da – từ ngữ gợi lên một kinh nghiệm giác quan tưởng tượng. Một ngọn lửa cháy trong trí tưởng tượng của chúng ta.
Nếu chúng ta nói “chanh” và để cho trái ấy nổi lên từ danh từ, miệng chúng ta chảy nước, lưỡi chúng ta co rút vì chua. Với “sô-cô-la”, hầu như chúng ta có vị ngọt. Ngôn ngữ là tượng trưng. Để có ý nghĩa, nó kêu gọi trí nhớ, cảm thức và tưởng tượng. Khi những ẩn dụ và biểu tượng được dùng trong giáo lý, tốt nhất là cho phép chúng tác động chúng ta theo cách này. Chớ chỉ nghĩ những lời “một ngọn lửa trong chỗ tối”, hay “một phản chiếu trong một tấm gương”. Hãy dùng những giác quan, thân thể và tưởng tượng của bạn để hiểu. Chúng ta phải vượt khỏi hình ảnh, nhưng hình ảnh có thể chỉ cho chúng ta hướng đúng.
Khi chúng ta vào một cái nhà thắp sáng bởi một ngọn đèn, chúng ta không khảo sát ngọn đèn, sợi bấc và dầu. Chúng ta chỉ kinh nghiệm sự sáng rỡ của căn phòng. Hãy cố gắng làm như vậy với việc dạy những ẩn dụ. Tâm thức chúng ta, đã tập luyện làm việc với sự trừu tượng hóa và luận lý, nắm lấy một ẩn dụ và phân tích nó. Chúng ta hỏi quá nhiều về ẩn dụ. Chúng ta muốn biết làm sao ngọn đèn được đặt trong phòng, làm sao ngọn lửa được thắp, như thế nào gió bắt đầu. Chúng ta muốn biết tấm gương là loại gì, làm bằng gì, cái gì đứng ngoài tấm gương để được phản chiếu. Thay vì thế, hãy để bạn ở trong hình ảnh ; hãy cố gắng tìm thấy kinh nghiệm dấu kín trong từ ngữ. Có bóng tối. Một ngọn đèn được thắp lên. Chúng ta đều biết kinh nghiệm này với thân thể và giác quan chúng ta. Bóng tối được thay thế bằng quang minh, nó thì sáng tỏ, không có chất thể, được biết trực tiếp. Một ngọn gió nổi lên và ngọn lửa bị thổi tắt. Chúng ta biết cảm thấy cái gì khi ánh sáng bị bóng tối đánh bại.

Thursday, June 24, 2010

Văn-thù-sư-lợi
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm

Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi dưới dạng Diệu Âm (sa. mañjughoṣa), "người có giọng nói êm dịu" bên phải có hỏa kiếm cắt đứt vô minh, bên trái là bộ kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa
Văn-thù-sư-lợi (zh. 文殊師利, sa. mañjuśrī) là tên dịch theo âm, thường được gọi tắt là Văn-thù, dịch nghĩa là Diệu Đức (zh. 妙德), Diệu Cát Tường (zh. 妙吉祥), cũng có lúc được gọi là Diệu Âm (zh. 妙音), dịch từ tên tiếng Phạn là Mañjughoṣa, là một vị Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ, một trong những vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo. Lần đầu tiên người ta nhắc đến Văn-thù trong tác phẩm Văn-thù-sư-lợi căn bản nghi quỹ (sa. ārya-mañjuśrī-mūlakalpa) ở thế kỉ thứ 4. Tranh tượng trình bày Văn-thù với lưỡi kiếm và kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa, được vẽ khoảng ngang đầu. Người ta xem đó là biểu tượng trí huệ phá đêm tối của Vô minh. Về sau chúng ta thường thấy Văn-thù cưỡi trên một con sư tử.
Trong Phật giáo Tây Tạng, các vị luận sư xuất sắc như Tông-khách-ba thường được xem là hiện thân của Văn-thù (Châu-cô). Dưới tên Diệu Âm (zh. 妙音), "Người với tiếng nói êm dịu", Văn-thù Bồ Tát thường được tán tụng trước khi hành giả nghiên cứu kinh điển, nhất là kinh điển thuộc hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa và học thuyết của Trung quán tông. Văn-thù là vị Bồ Tát tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ, đạt được bằng phương tiện tri thức.
Văn-thù cũng xuất hiện dưới dạng một Thần thể (sa. iṣṭadevatā, sādhita, bo. yidam) phẫn nộ, có tên gọi là Diêm-mạn-đức-ca – "Người chiến thắng tử thần" (sa. yamāntaka), có dạng vị thần mang đầu bò. Dạng này là Thần thể quan trọng của phái Cách-lỗ tại Tây Tạng.
Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, Văn-thù được Phật Thích-ca đích thân giao phó việc truyền bá Phật pháp tại đây và Ngũ Đài sơn chính là nơi Bồ Tát thuyết pháp. Vì vậy, Ngũ Đài sơn cũng được xem là trụ xứ của Văn-thù (xem Tứ đại danh sơn). Một thuyết khác bảo rằng, Bồ Tát đã từng xuất hiện tại Trung Quốc trong thế kỉ 1, đời Hán Minh Đế. Câu niệm danh hiệu của vị bồ tát này là: "Nam mô đại trí văn thù sư lợi bồ tát".
[sửa] Hình ảnh

Tranh của Cecilia

Tượng đồng tại bảo tàng Anh
[sửa] Tham khảo

Sunday, June 20, 2010

Tìm Hiểu Về Đạo Bon Ở Tibet.


if (wgNotice != '') document.writeln(wgNotice);
Bön
From Wikipedia, the free encyclopedia
Jump to: navigation, search
[show]
Part of a series on Tibetan Buddhism

History
Timeline · Related-topics
Schools
Nyingma · Kagyu · Sakya · Gelug · Bön
Key Concepts
Three marks of existence · Skandha · Cosmology · Saṃsāra · Rebirth · Bodhisattva · Dharma · Dependent Origination · Karma
Major Figures
Gautama Buddha · Padmasambhava · Je Tsongkhapa · Dalai Lama · Panchen Lama · Lama · Karmapa Lama · Rinpoche · Geshe · Terton · Tulku
Practices and Attainment
Buddhahood · Avalokiteśvara · Four Stages of Enlightenment · Tantric yoga · Paramitas · Meditation · Laity
Major Monasteries
Changzhug · Drepung · Dzogchen · Ganden · Jokhang · Kumbum · Labrang · Mindroling · Namgyal · Narthang · Nechung · Pabonka · Palcho · Ralung · Ramoche · Sakya · Sanga · Sera · Shalu · Tashilhunpo · Tsurphu · Yerpa
Major Festivals
Chotrul Duchen · Dajyur · Losar · Monlam · Sho Dun
Texts
Kangyur · Tengyur · Tibetan Canon · Mahayana Sutras · Nyingma Gyubum
Art
Sand mandala · Thangka · Ashtamangala · Tree of physiology
Outline · Comparative Studies · Culture · List of topics · Portal

viewtalkedit
This article's factual accuracy is disputed. Please see the relevant discussion on the talk page. (June 2010)
Bön[1] (Tibetan: བོན་; Wylie: bon; Lhasa dialect IPA: [pʰø̃̀(n)]) is the oldest still-extant spiritual tradition of Tibet.
The history of Bön is difficult to clearly ascertain because the earliest surviving documents referring to the religion come from the 9th and 10th centuries, well after Buddhists began the suppression of indigenous beliefs and practices.[2] Moreover, historian Per Kværne[2] notes that "Bön" is used to describe three distinct traditions: (1) the pre-Buddhist religious practices of Tibetans that is "imperfectly reconstructed [yet] essentially different from Buddhism" and was focused on the personage of a divine king; (2) a syncretic religion that arose in Tibet during the 10th and 11th centuries, with strong shamanistic and animistic traditions, that is often regarded by scholars as "an unorthodox form of Buddhism;" (3) "a vast and amorphous body of popular beliefs" including fortune telling. However, other scholars do not accept the tradition that separates Bön from Buddhism; Christopher Beckwith calls Bön "one of the two types of Tibetan Buddhism"[3] and writes that "despite continuing popular belief in the existence of a non-Buddhist religion known as Bön during the Tibetan Empire period, there is not a shred of evidence to support the idea... Although different in some respects from the other sects, it was already very definitely a form of Buddhism."[4]
Tenzin Gyatso, the fourteenth Dalai Lama, recognizes the Bön tradition as the fifth principal spiritual school of Tibet[5], along with the Nyingma, Sakya, Kagyu, and Gelug schools of Buddhism, despite the long historical competition between the Bön tradition and Buddhism in Tibet.
The syllable -po or -pa is appended to a noun in Tibetan to designate a person who is from that place or performs that action; "Bönpo" thus means a follower of the Bön tradition, "Nyingmapa" a follower of the Nyingma tradition, and so on. (The feminine parallels are -mo and -ma, but these are not generally appended to the names of the Tibetan religious traditions.)[6]
Contents[hide]
1 History of Bön
1.1 Foundation
1.2 Competition with Buddhism
1.3 'A Cavern of Treasures' (mdzod phug)
1.4 1700s
1.5 19th century
1.6 Bön today
2 The purpose of Bön
3 Geography and Bön
4 Gods of home and hearth
5 Historical phases of Bön
5.1 Animistic Bön
5.2 Yungdrung Bön
5.3 New Bön
6 The present situation of Bön
7 Recognition
8 Bönpo spiritual practices
9 Elements in Bön
10 Reality and chakras in Bön
11 See also
12 Footnotes
13 References
14 Further reading
15 External links
//
[edit] History of Bön
[edit] Foundation
Traditionally, Tönpa Shenrab Miwoche is believed to have established the Bön religion. He is traditionally held to have been born in the land of Tagzig Olmo Lung Ring, considered an axis mundi, which is traditionally identified as Mount Yung-drung Gu-tzeg ("Edifice of Nine Sauvastikas"), possibly Mount Kailash, in western Tibet. Due to the sacredness of Tagzig Olmo Lung Ring and the Mount Kailash, both the sauvastika and the number nine are of great significance and considered auspicious by the Bönpo as well as Hindus.
[edit] Competition with Buddhism
After the introduction of Buddhism to Tibet during the 7th century, there was often fierce competition between the two traditions, especially during the reign of Langdarma. Over time, Bön has been losing influence and has been marginalized by the Tibetan political elite.
[edit] 'A Cavern of Treasures' (mdzod phug)
'A Cavern of Treasures' (Tibetan: མཛོད་ཕུག; Wylie: mdzod phug) is a Bonpo terma uncovered by 'Shenchen Luga' (Tibetan: གཤེན་ཆེན་ཀླུ་དགའ; Wylie: gshen chen klu dga') in the early eleventh century.[7] Martin[8] identifies the importance of this scripture for studies of the Zhang-Zhung language:
For students of Tibetan culture in general, the mDzod phug is one of the most intriguing of all Bon scriptures, since it is the only lengthy bilingual work in Zhang-zhung and Tibetan. (Some of the shorter but still significant sources for Zhang-zhung are signalled in Orofino 1990.)[9]
[edit] 1700s
The Dzungars invaded Tibet in 1717 and deposed and killed a pretender to the position of Dalai Lama who had been promoted by Lhabzang, the titular King of Tibet. This met with widespread approval. However, they soon began to loot the holy places of Lhasa which brought a swift response from Emperor Kangxi in 1718, but his military expedition was annihilated by the Dzungars not far from Lhasa.[10][11]
Many Nyingmapas and Bönpos were executed and Tibetans visiting Dzungar officials were forced to stick their tongues out so the Dzungars could tell if the person recited constant mantras, which was said to make the tongue black or brown. This allowed them to pick the Nyingmapas and Bönpos, who recited many magic-mantras.[12] A habit of sticking one's tongue out as a mark of respect on greeting someone has remained a Tibetan customs into modern times.
[edit] 19th century
In the nineteenth century, Sharza Tashi Gyeltsen, a Bön master whose collected writings comprise eighteen volumes significantly rejuvenated the tradition. His disciple Kagya Khyungtrul Jigmey Namkha trained many practitioners to be learned in not only the Bön religion, but in all Tibetan schools. However, with the Chinese annexation of Tibet and the Himalayan diaspora, like the other schools, Bön has encountered significant cultural loss. Thankfully for the rejuvenation afforded by the terma tradition, this is not irreparable.
According to the Bönpo, eighteen enlightened entities will manifest in this æon and Tönpa Shenrab Miwoche, the founder of Bön, is considered the enlightened Buddha of this age (compare yuga and kalpa). The 33rd lineage holder of Menri Monastery, HH the Menri Trizin Lungtog Tenpei Nyima Rinpoche, and Lopön Tenzin Namdak are important current lineage holders of Bön.
More than three hundred Bön monasteries had been established in Tibet prior to Chinese annexation. Of these, Menri Monastery and Yungdrung Monastery were the two principal monastic universities for the study and practice of the Bön knowledge and science-arts.
[edit] Bön today
A complex appreciation of Bön is emerging by scholars. Bön, prior to the Tibetan diaspora, existed within a web of ancient indigenous animism, Hinduism, sympathetic magic, Buddhism, folk religion, shamanism, Vajrayana, asceticism and mysticism; complexes prevalent throughout the Himalaya and intermingling throughout the Inner Asian region. Pegg (2006) relates that these
"[c]omplexes include mosaics of performing practices and discourses rather than discrete or fixed sets of practices or beliefs. They are syncretic and overlapping. The power of sound to communicate with spirits is recognized…" and a recurrent motif throughout the region.
Leading Bön scholar Per Kvearne writes[13]:
Both Buddhists and Bönpos agree that when Buddhism succeeded in gaining royal patronage in Tibet in the eighth and ninth centuries, Bön suffered a serious setback. By the eleventh century, however, an organized religious tradition, styling itself Bön and claiming continuity with the earlier, pre-Buddhist religion, appeared in central Tibet. It is this religion of Bön that has persisted to our own times, absorbing doctrines from the dominant Buddhist religion but always adapting what it learned to its own needs and perspectives. This is ...not just plagiarism, but a dynamic and flexible strategy that has ensured the survival, indeed the vitality, of a religious minority.
[edit] The purpose of Bön
Among the important aims of Bön are cultivating heartmind. This is to purify and silence the noise of the mindstream within the bodymind, and so reveal rigpa — a transcendent natural bodymind. In rigpa, the obscurations of dualism and dukkha no longer entrance the Bönpo and sambhogakaya and nirmanakaya are aligned in a sympathetic resonance.
[edit] Geography and Bön

The Bönpa monastery of Narshi Gonpa at Ngawa, Sichuan Province, China.
Ethnic Tibet is not confined culturally to modern political Tibet. The broader area of ethnic Tibet also includes to the east, parts of the Chinese provinces of Sichuan, Gansu and Yunnan; to the west, the Indian regions of Ladakh, Lahul and Spiti and the Baltistan region of Pakistan; to the south, Bhutan, Sikkim, parts of northern Nepal, the Mustang, Dolpo, Sherpa and Tamang regions of eastern Nepal and the extreme north-west of Assam.
The altitude and vastness of the Tibetan Region is striking landscape uncompromisingly dominated by mountains and sky, where the starkness of the human condition relentlessly tests the mettle of its peoples. The lofty Tibetan Plateau and Geography of Tibet has had a profound effect on the Bönpo and the shaping of Vajrayana in general.[citation needed] Many of the local deities (jiktenpa) pre-dating the arrival of Buddhism, were co-opted and made 'protectors' of the Vajrayana[citation needed] and various teachings.
[edit] Gods of home and hearth
Bönpos cultivate household gods in addition to other deities:
Traditionally in Tibet divine presences or deities would be incorporated into the very construction of the house making it in effect a castle (dzongka) against the malevolent forces outside it. The average Tibetan house would have a number of houses or seats (poe-khang) for the male god (pho-lha) that protects the house. Everyday [sic?] the man of the house would invoke this god and burn juniper wood and leaves to placate him. In addition the woman of the house would also have a protecting deity (phuk-lha) whose seat could be found within the kitchen usually at the top of the pole that supported the roof.[14]
[edit] Historical phases of Bön
According to the Bönpos themselves,[15] the Bön religion has actually gone through three distinct phases: Animistic Bön, Yungdrung or Eternal Bön, and New Bön.
[edit] Animistic Bön
The first phase of Bön was grounded in animistic and shamanistic practices and corresponds to the general characterization of Bön as described by western scholars.
Initiation rituals and rites closely correlate to the indigenous shamanic traditions of Siberia. Many Bönpo shamans were members of a clan-guild. Shamans were of either gender. A shamanic aspirant was often visited and possessed by an ancestral shaman and/or one or more of any number of entities such as gods, elementals, dæmons, and spirits. The possession typically resulted in a divine madness and a temporary retreat into the wilderness, where the shaman lived like an animal and experienced visions of his own death at the hands of spirits.
After the newly-possessed shaman returned, they were taught by senior practitioners and members of the clan-guild how to exert power over the spirits that visited them, as well as incantation of mantra.[16]
[edit] Yungdrung Bön
The religion's second era is a contentious phase. It rests on the assertions of the Bönpo texts and traditions, which are extensive and only now being analyzed in the West.
These texts assert that Yungdrung Bön was founded by the Buddha Tönpa Shenrab Miwoche. He discovered the methods of attaining enlightenment and is considered to be a figure analogous to Gautama Buddha. He was said to have lived 18,000 years ago in the land of Olmo Lung Ring, part of the land of Tagzig (see Tagzig Olmo Lung Ring), to the west of present day Tibet (which some scholars identify with the Persian Tajik).
According to Buddhist legend, prior to the manifestation of Shakyamuni Buddha there were numerous other historical Buddhas. Tönpa Shenrab Miwoche transmitted the lore, which was similar in many regards to Buddhism, to the people of Zhangzhung of western Tibet. They had previously been practicing animistic Bön, thus establishing Yungdrung ("eternal") Bön.

Abbot of a Bön Monastery in Nepal - Lopön Tenzin Namdak
One interesting proposition, countered by most Himalayan scholars[17], is that Buddhism may have arrived in Tibet by a path other than directly from northwest India. A transmission through Persia prior to the 7th century is not improbable as Alexander the Great had connected Greece with India almost a millennium earlier, resulting in a flourishing Greco-Buddhist culture in Afghanistan and Pakistan. Additionally, the 6th century Khosrau I of Persia is known to have ordered the translation of the Buddhist jataka tales into the Persian language. The Silk Road, the path by which Buddhism traveled to China in 67 CE., lies entirely to the west of Tibet and passed through the Persian city of Hamadan. Buddhist structures discovered in far western Tibet have been dated to the third century CE.[citation needed] Bönpo stupas have also been discovered as far west as Afghanistan.
Nonetheless, no scholars have yet identified a major center of Buddhist learning in Persia which corresponds to the Bönpos' land of Tagzig Olmo Lung Ring. Alternative proposed sites[citation needed] have included the ancient cities of Merv, Khotan or Balkh, all of which had thriving Buddhist communities active in the correct timeframe and are located to the west of Tibet.
The existence of the Zhangzhung culture is supported by many lines of evidence, including the existence of a remnant of living Zhangzhung speakers still found in Himachal Pradesh. The claim that Lord Shenrab was born 180 centuries ago is generally not taken literally[17], but is rather understood as an allusion to a master born in the very distant past.
One interesting question relating to the history of Bön is: when did Bön really enter the yungdrung phase, that is, when did elements strongly resembling Buddhism become important? These elements became apparent with the codification of the yungdrung Bön canon by the first abbot of Menri Monastery, Nyame Sherab Gyaltsen in the 14th century, but a trend towards this probably began earlier. At the same time, the Nyingma, Kagyu, and Sakya orders of Buddhism were also reorganizing themselves in order to be able to compete effectively with the dominant Gelug order.
If we do not accept the Bön claim that Bön's Buddhist elements are older than the historical Buddha, we may consider some other milestones in Tibetan history which may mark points at which Buddhist ideas became integrated into Bön.
In the first half of the 7th century, the Tibetan King Songtsen Gampo assassinated King Ligmicha of the Shangshung and annexed the Shangshung kingdom. The same Songtsen Gampo was also the first Tibetan king to marry a Buddhist (or, in his case, two): in 632, Nepalese princess Bhrikuti, and in 641, Princess Wencheng, daughter of Emperor Tang Taizong of the Tang Dynasty of China where Buddhism was approaching its zenith. The Jokhang Temple, the first Buddhist temple in Tibet, was built in the 7th century to house a Buddhist statue brought by princess Wencheng and to celebrate the marriage.
Approximately 130 years later, King Trisong Detsen (742-797) held a debate contest between Bön priests and Buddhists, and decided to convert to Buddhism; in 779, he invited the great Indian saint Padmasambhava to bring Tantric Buddhism to Tibet. According to Tibetan Buddhist tradition, the arrival of Padmasambhava represents the first transmission of the faith. Tantric Buddhism became important in Tibet at this point.
As tantric Buddhism became the state religion of Tibet, Bön faced persecution, forcing Bönpo masters such as Drenpa Namkha underground. It is possible, however, that several decades later, with the collapse of the Tibetan Empire into civil war in 842, Bön may have experienced a partial revival in some districts, especially in western Tibet.
In the 11th century, approximately coincident with the second transmission of tantric Buddhism into Tibet associated with Indian saints such as Atisha and Naropa, we start to find more Bönpo texts, discovered as terma.
[edit] New Bön
The "New Bön" phase began in the 14th century, when some Bön teachers discovered termas related to Padmasambhava. New Bön is primarily practiced in the eastern regions of Amdo and Kham. Although the practices of New Bön vary to some extent from Yungdrung Bön, the practitioners of New Bön still honor the Abbot of Menri Monastery as the leader of their tradition.
[edit] The present situation of Bön
According to a recent Chinese census[when?], an estimated 10 percent of Tibetans follow Bön. At the time of the communist takeover in Tibet, there were approximately 300 Bön monasteries in Tibet and western China. According to a recent[when?] survey, there are 264 active Bön monasteries, convents, and hermitages.
The present spiritual head of the Bön is Lungtok Tenpa'i Nyima (b. 1929), the thirty-third Abbot of Menri Monastery (destroyed in the Cultural Revolution, but now being rebuilt), who now presides over Pal Shen-ten Menri Ling in Dolanji in Himachal Pradesh, India, for the abbacy of which monastery he was selected in 1969.
A number of Bön establishments also exist in Nepal, probably the most physically accessible[18] being Triten Norbutse Bönpo Monastery on the western outskirts of Kathmandu. Bön's leading monastery is the Menri Monastery in Dolanji, India (Himachal Pradesh).
[edit] Recognition
Lobsang Yeshe, recognised as the fifth Panchen Lama by the fifth Dalai Lama Lozang Gyatso, was a member of the Dru family, an important family of the Bön religion. Under Lozang Gyatso Bön became respected both philosophically and politically.[19] However, the Bönpo remained stigmatised and marginalised until 1977, when they sent representatives to Dharamsala and Tenzin Gyatso, the fourteenth Dalai Lama, who advised the Tibetan parliament-in-exile, the Assembly of Tibetan People’s Deputies, to accept Bön members.
Since then, Bön has had official recognition of its status as a religious group, with the same rights as the Buddhist schools. This was re-stated in 1987 by the Dalai Lama, who also forbade discrimination against the Bönpos, stating that it was both undemocratic and self-defeating. He even donned Bön ritual paraphernalia, emphasizing "the religious equality of the Bön faith."[20]
However, Tibetans still differentiate between Bön and Buddhism, referring to members of the Nyingma, Shakya, Kagyu and Gelug schools as nangpa, meaning "insiders," but to practitioners of Bön as "Bönpo," or even chipa ("outsiders").[21][22][23]
[edit] Bönpo spiritual practices
Bön, while now very similar to schools of Tibetan Buddhism, may be distinguished by certain characteristics:
The origin of the Bönpo lineage is traced to Buddha Tönpa Shenrab (sTon-pa gShen-rab), rather than to Buddha Shakyamuni.
Bönpos circumambulate chortens or other venerated structures counter-clockwise (i.e., with the left shoulder toward the object), rather than clockwise (as Buddhists do).
Bönpos use the yungdrung (g.yung-drung or sauvastika instead of the dorje (rdo-rje, vajra) as a symbol and ritual implement.
Instead of a bell, in their rituals Bönpos use the shang, a cymbal-like instrument with a "clapper" usually made of animal horn.
A nine-way path is described in Bön. It is distinct from the nine-yana (-vehicle) system of the Nyingma school of Tibetan Buddhism. Bönpos consider Bön to be a superset of Buddhist paths. (The Bönpos divide their teachings in a mostly familiar way: a Causal Vehicle, Sutra, Tantra and Dzogchen).
The Bönpo textual canon includes rites to pacify spirits, influence the weather, heal people through spiritual means and other shamanic practices. While many of these practices are also common in some form to Tibetan Buddhism (and mark a distinction between Tibetan and other forms of Buddhism), they are actually included within the recognized Bön canon (under the causal vehicle), rather than in Buddhist texts.
Bönpos have some sacred texts, of neither Sanskrit nor Tibetan origin, which include some sections written in the ancient Zhangzhung language.
The Bönpo mythic universe includes the Mountain of Nine sauvastikas and the Tagzig Olmo Lung Ring paradise.
The Bönpo school is said by some to now resemble most closely the Nyingma school, the oldest school of Tibetan Buddhism, which traces its lineage to the first transmission of Buddhism into Tibet, while other researchers say many practices of Bönpos resemble folk Taoism.[citation needed] Svabhava (Sanskrit; Wylie: rang bzhin) is very important in the nontheistic theology of the Bonpo Dzogchen 'Great Perfection' tradition where it is part of a technical language to render macrocosm and microcosm into nonduality.[24]
[edit] Elements in Bön
In Bön, the five elemental processes of earth, water, fire, air and space are the essential elements of all existent phenomena or skandhas (aggregates) the most subtle enumeration of which are known as the five pure lights. Tenzin Wangyal Rinpoche states:[25]
[P]hysical properties are assigned to the elements: earth is solidity; water is cohesion; fire is temperature; air is motion; and space is the spatial dimension that accommodates the other four active elements. In addition, the elements are correlated to different emotions, temperaments, directions, colors, tastes, body types, illnesses, thinking styles, and character. From the five elements arise the five senses and the five fields of sensual experience; the five negative emotions and the five wisdoms; and the five extensions of the body. They are the five primary pranas or vital energies. They are the constituents of every physical, sensual, mental, and spiritual phenomenon.
The names of the elements are analogous to categorised experiential sensations of the natural world. The names are symbolic and key to their inherent qualities and/or modes of action by analogy. In Bön, the elemental processes are fundamental metaphors for working with external, internal and secret energetic forces. All five elemental processes in their essential purity are inherent in the mindstream and link the trikaya and are aspects of primordial energy. As Herbert V. Günther states:[26]
Thus, bearing in mind that thought struggles incessantly against the treachery of language and that what we observe and describe is the observer himself [sic.], we may nonetheless proceed to investigate the successive phases in our becoming human beings. Throughout these phases, the experience (das Erlebnis) of ourselves as an intensity (imaged and felt as a "god", lha) setting up its own spatiality (imaged and felt as a "house" khang) is present in various intensities of illumination that occur within ourselves as a "temple." A corollary of this Erlebnis is its light character manifesting itself in various "frequencies" or colors. This is to say, since we are beings of light we display this light in a multiplicity of nuances.
[edit] Reality and chakras in Bön
Chakras, as pranic centers of the body, according to the Tibetan Bön tradition, influence the quality of experience, because movement of prana can not be separated from experience. Each of the six major chakras is linked to experiential qualities of one of the six realms of existence.
A modern teacher, Tenzin Wangyal Rinpoche uses a computer analogy: main chakras are like hard drives. Each hard drive has many files. One of the files is always open in each of the chakras, no matter how "closed" that particular chakra may be. What is displayed by the file shapes experience.
The tsa lung practices such as those embodied in Trul Khor lineages open channels so that lung (prana or qi) may move without obstruction. A yogi opens chakras and evokes positive qualities associated with a particular chakra. In the computer analogy, the screen is cleared and a file is called up that contains positive, supportive qualities. A seed syllable (Sanskrit: bija) is used both as a password that evokes the positive quality and the armor that sustains the quality.[27]
Tantric practice eventually transforms all experience into bliss. The practice liberates from negative conditioning and leads to control over perception and cognition.[27]
See also: Reality in Buddhism
[edit] See also
Bön in Bhutan
Dongba
Namkha
Phurba
Samye
Tapihritsa
Gurung Dharma
[edit] Footnotes
^ Although the Wylie transcription of the Tibetan spelling is just "bon", the umlaut is conventionally added above the "o" to suggest more nearly the Tibetan pronunciation of the vowel.
^ a b Kværne, Per. (1995) The Bon religion of Tibet: the iconography of a Living Tradition, Part 2. London: Serindia, ISBN 0906026350
^ Christopher I. Beckwith, The Tibetan Empire in Central Asia: A History of the Struggle for Great Power Among Tibetans, Turks, Arabs, and Chinese During the Early Middle Ages (Princeton University Press, new ed. 1993: ISBN 0-691-02469-3), p. 20.
^ Christopher I. Beckwith, Empires of the Silk Road: A History of Central Eurasia from the Bronze Age to the Present (Princeton University Press, 2009: ISBN 978-0-691-13589-2), p. 414.
^ "In 1978 the Dalai Lama acknowledged the Bon religion as a school with its own practices after visiting the newly built Bon monastery in Dolanji." Tapriza Projects Switzerland [1]
^ "Introductory History of the Five Tibetan Traditions of Buddhism and Bön." Alexander Berzin. Berlin, Germany, January 10, 2000. [2]
^ Berzin, Alexander (2005). The Four Immeasurable Attitudes in Hinayana, Mahayana, and Bon. Berzin Archives. Source: [3] (accessed: Monday March 1, 2010)
^ n.d.: p.21
^ Martin, Dan (n.d.). "Comparing Treasuries: Mental states and other mdzod phug lists and passages with parallels in Abhidharma works of Vasubandhu and Asanga, or in Prajnaparamita Sutras: A progess report." University of Jerusalem. Source: [4] (accessed: Monday March 1, 2010)
^ Richardson, Hugh E. (1984). Tibet and its History. Second Edition, Revised and Updated, pp. 48-9. Shambhala. Boston & London. ISBN 0-87773-376-7 (pbk)
^ Stein, R. A. Tibetan Civilization. (1972), p. 85. Stanford University Press. ISBN 0-8047-0806-1 (cloth); ISBN 0-8047-0901-7.(paper)
^ Norbu, Namkhai. (1980). "Bön and Bonpos". Tibetan Review, December, 1980, p. 8.
^ quoted in Powers (2007): 504
^ Source: http://www.sharpham-trust.org/centre/Tibetan_unit_01.pdf; Thursday January 18, 2007
^ Baumer, C. (2002). Bon: Tibet's Ancient Religion. Orchid Press, Thailand. ISBN 974-524-011-7
^ Kernaghan, Eileen. The Nameless Religion: An Overview of Bon Shamanism
^ a b Rossi, Donatella (1999). The Philosophical View of the Great Perfection in the Tibetan Bon Religion. Ithaca, NY: Snow Lion.
^ accessible from the bus stop on the Ring Road nearest Swayambhu (downhill just behind the great stupa).
^ Karmay, Samten G. (2005), International Institute for Asian Studies Newsletter, pp. 12–13, http://www.iias.nl/nl/39/IIAS_NL39_1213.pdf .
^ Kværne, Per and Rinzin Thargyal. (1993). Bon, Buddhism and Democracy: The Building of a Tibetan National Identity, pp. 45-46. Nordic Institute of Asian Studies. ISBN 978-87-87062-25-1.
^ ["History of Buddhism: Countries, sects and politics." Amalia Rubin. http://www.helium.com/tm/456714/authors-following-basic-history]
^ "Bon Children's Home In Dolanji and Polish Aid Foundation For Children of Tibet – NYATRI."[5]
^ "About the Bon: Bon Culture."
^ Rossi, Donatella (1999). The Philosophical View of the Great Perfection in the Tibetan Bon Religion. Ithaca, New York: Snow Lion. ISBN 1-55939-129-4, p.58
^ 2002: p. 1
^ 1996: pp. 115–116
^ a b Tenzin Wangyal Rinpoche, Healing with Form, Energy, and Light. Ithaca, New York: Snow Lion Publications, 2002. ISBN 1-55939-176-6, pp. 84-85
[edit] References
Karmey, Samten G. (1975). A General Introduction to the History and Doctrines of Bon. Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko, No. 33, pp. 171–218. Tokyo.
[edit] Further reading
Allen, Charles. (1999). The Search for Shangri-La: A Journey into Tibetan History. Little, Brown and Company. Reprint: Abacus, London. 2000. ISBN 0-349-11142-1.
Baumer, Christopher, Bon: Tibet’s Ancient Religion, Ilford, Wisdom, 2002. ISBN 9789745240117
Jinpa, Gelek, Ramble, Charles, & Dunham, V. Carroll, Sacred Landscape and Pilgrimage in Tibet: in Search of the Lost Kingdom of Bön, New York & London: Abbeville, 2005. ISBN 0789208563
Martin, Dean. (1999). "'Ol-mo-lung-ring, the Original Holy Place." In: Sacred Spaces and Powerful Places In Tibetan Culture: A Collection of Essays. (1999) Edited by Toni Huber, pp. 125–153. The Library of Tibetan Works and Archives, Dharamsala, H.P., India. ISBN 81-86470-22-0.
Norbu, Namkhai. 1995. Drung, Deu and Bön: Narrations, Symbolic languages and the Bön tradition in ancient Tibet. Translated from Tibetan into Italian edited and annotated by Adriano Clemente. Translated from Italian into English by Andrew Lukianowicz. Library of Tibetan Works and Archives, Dharamsala, H.P., India. ISBN 81-85102-93-7.
Pegg, Carole (2006). Inner Asia Religious Contexts: Folk-religious Practices, Shamanism, Tantric Buddhist Practices. Oxford University Press. Grove Music Online. Source: http://www.grovemusic.com/shared/views/article.html?section=music.05283#music.05283 (accessed: Wednesday, January 17, 2007)
Samuel, Geoffrey (1993). Civilised Shamans. Smithsonian Institution Press.
http://www.sharpham-trust.org/centre/Tibetan_unit_01.pdf (accessed: Thursday January 18, 2007)
Tenzin Wangyal Rinpoche (2002). Healing with Form, Energy, and Light. Ithaca, New York: Snow Lion Publications. ISBN 1-55939-176-6
Günther, Herbert V. (1996). The Teachings of Padmasambhava. Leiden, Netherlands: E. J. Brill. Hardcover.
Shardza Tashi Gyaltsen. (2002). Heart drops of Dharmakaya: Dzogchen practice of the Bon tradition (Lonpon Tenzin Namdak, Trans) (2nd ed). Ithaca, New York: Snow Lion.
Rossi, D. (1999). The philosophical view of the great perfection in the Tibetan Bon religion. Ithaca, New York: Snow Lion.
[edit] External links
PBS Secrets of Shangri-La: Quest for Sacred Caves (premiered November 18, 2009)
Bon Encyclopedia (accessed Saturday February 17, 2007)
Ligmincha Institute
Bon Foundation
Tibetan Bön Tradition in Belarus and Ukraine (English language)
Yungdrung Bön
Garuda Switzerland
Interview with Lopon Tenzin Namdak Rinpoche, the most senior teacher of the Bönpo tradition
Picture of Bön inscription
John Reynolds' web site, including his Bonpo translation project
Na-xi and other Hos / Bon religious texts
History of Buddhism and Bon in Tibet (by Dr. Alexander Berzin)
[6] Kalden Yungdrung's forum, a place to meet Bön pos
[7] Kalden Yungdrung's website, regarding the events about tempel Yungdrung Rignga Ling in the Netherlands
[show]
vdeBuddhism topics
Outline · Portal · Category · Glossary · Index
Foundations
Three Jewels (Buddha · Dharma · Sangha) · Four Noble Truths · Noble Eightfold Path · Nirvana · Middle Way

The Buddha
Tathāgata · Birthday · Four sights · Physical characteristics · Footprint · Iconography · Films · Miracles · Family: (Suddhodana (father) · Maya (mother) · Yasodhara (wife) · Rahula (son)) · Places where the Buddha stayed · Buddha in world religions
Key concepts
Three Marks of Existence: (Impermanence · SufferingNot-self) · Dependent Origination · Five Aggregates · Karma · Rebirth · Saṃsāra · Saṅkhāra · Defilements · Ignorance · Craving · Five Hindrances · Ten Fetters · Faculties · Enlightenment (Awakening) · Parinirvana · Thusness · Two truths doctrine · Emptiness · Bodhicitta · Bodhisattva · Buddha-nature · Mindstream · Dzogchen
Cosmology
Ten spiritual realms · Six Realms (Hell · Animal realm · Hungry Ghost realm · Asura realm · Human realm · Heaven) · Three planes of existence
Practices
Refuge · Buddhist devotion · Puja: (Offerings · Prostration · Chanting) · Merit · Paritta · Generosity · Renunciation · Morality: (Precepts · Bodhisattva vows · Patimokkha) · Threefold Training: (Morality · Concentration · Wisdom) · Four Divine Abidings: (Loving-kindness · Compassion · Sympathetic joy · Equanimity) · Perfections · Enlightenment Qualities · Seven Factors of Enlightenment · Bases of Power · Five Strengths · Faith · Effort (Four Right Exertions) · Mindfulness (Satipatthana) · Jhāna (Dhyāna) · Bhavana · Meditation: (Kammaṭṭhāna · Recollection · Smarana · Mindfulness of Breathing · Serenity meditation · Insight meditation · Shikantaza · Zazen · Kōan · Mandala · Tonglen · Tantra · Tertön · Terma)
Attainment
Types of Buddha · Private Buddha · Bodhisattva · Four stages of enlightenment: (Stream-enterer · Once-returner · Non-returner · Arahant)
Monasticism
Monk · Nun · Novice monk · Novice nun · Anagarika · Ajahn · Sayadaw · Zen master · Roshi · Lama · Rinpoche · Geshe · Tulku · Householder · Lay follower · Disciple
Major figures
Gautama Buddha · Sāriputta · Mahamoggallāna · Ananda · Maha Kassapa · Anuruddha · Mahakaccana · Nanda · Subhuti · Punna · Upali · Mahapajapati Gotami · Khema · Uppalavanna · Buddhaghosa · Nagasena · Bodhidharma · Nagarjuna · Asanga · Vasubandhu · Atisha · Padmasambhava · Dalai Lama
Texts
Tipitaka: (Vinaya Pitaka · Sutta Pitaka · Abhidhamma Pitaka) · Commentaries: (Visuddhimagga) · Mahayana sutras · Chinese Buddhist canon (Tripitaka Koreana) · Tibetan Buddhist canon
Branches
Theravada · Mahayana: (Zen · Pure Land · Tiantai · Nichiren · Madhyamaka · Yogacara) · Vajrayana: (Tibetan Buddhism · Shingon) · Early Buddhist schools · Pre-sectarian Buddhism · Basic points unifying Theravada and Mahayana
Countries
Bangladesh · Bhutan · Burma · Cambodia · China · India · Indonesia · Japan · Korea · Laos · Malaysia · Mongolia · Nepal · Pakistan · Russia · Singapore · Sri Lanka · Taiwan · Thailand · Tibet · Vietnam · Middle East: (Iran) · Western countries: (Australia · France · United Kingdom · United States)
History
Timeline · Buddhist councils · History of Buddhism in India · Decline of Buddhism in India · Ashoka the Great · Greco-Buddhism · Buddhism and the Roman world · Silk Road transmission of Buddhism · Persecution of Buddhists
Philosophy
Abhidharma · Logic · Buddhology · Eschatology · Reality · God · Humanism · Engaged Buddhism · Socialism · Anarchism · Economics · Atomism · Evolution · Sexuality · Homosexuality · Ethics · Fourteen unanswerable questions
Culture
Art · Greco-Buddhist art · Poetry · Buddha statue · Budai · Symbolism: (Dharmacakra · Flag · Bhavacakra · Thangka) · Prayer wheel · Mala · Mudra · Mantra (Om mani padme hum) · Music · Holidays: (Vesak · Magha Puja · Uposatha) · Rains retreat · Monastic robe · Architecture: (Vihara · Wat · Stupa · Pagoda · Thai temple art and architecture) · Pilgrimage: (Lumbini · Bodh Gaya · Sarnath · Kushinagar) · Bodhi Tree · Mahabodhi Temple · Calendar · Cuisine · Vegetarianism
Miscellaneous
Lineage · Maitreya · Avalokiteśvara (Guan Yin) · Amitābha · Brahmā · Māra · Dhammapada · Vinaya · Sutra · Hinayana · Liturgical languages: (Pali · Sanskrit) · Dharma talk · Kalpa · Higher Knowledge · Supernormal Powers
Buddhism and:
Science · Psychology · Hinduism · Jainism · East Asian religions · Christianity · Theosophy · Gnosticism
Lists
Buddhas · Twenty-eight Buddhas · Bodhisattvas · Buddhists · Suttas · Books · Temples
Retrieved from "http://en.wikipedia.org/wiki/B%C3%B6n"
Categories: Bön Dzogchen Religion in Tibet Schools of Tibetan Buddhism
Hidden categories: Accuracy disputes from June 2010 All accuracy disputes All articles with unsourced statements Articles with unsourced statements from March 2010 Articles containing possible transcription errors Articles with unsourced statements from March 2007 Vague or ambiguous time Articles with unsourced statements from April 2009
Personal tools
New features
Log in / create account
Namespaces
Article
Discussion
Variants
Views
Read
Edit
View history
Actions
Search

Search

Navigation
Main page
Contents
Featured content
Current events
Random article
Interaction
About Wikipedia
Community portal
Recent changes
Contact Wikipedia
Donate to Wikipedia
Help
Toolbox
What links here
Related changes
Upload file
Special pages
Permanent link
Cite this page
Print/export
Create a book
Download as PDF
Printable version
Languages
Български
Česky
Dansk
Deutsch
Eesti
Ελληνικά
Español
Français
Italiano
Lietuvių
Nederlands
日本語
‪Norsk (bokmål)‬
Polski
Português
Русский
Slovenčina
Suomi
Svenska
中文
This page was last modified on 19 June 2010 at 13:08.
Text is available under the Creative Commons Attribution-ShareAlike License; additional terms may apply. See Terms of Use for details.Wikipedia® is a registered trademark of the Wikimedia Foundation, Inc., a non-profit organization.
Contact us
Privacy policy
About Wikipedia
Disclaimers