Tuesday, April 6, 2010

Năm Thời Kỳ Năm Trăm Năm

NĂM THỜI KỲ NĂM TRĂM NĂM:
Trước hết, cần có một sự lưu ý cơ bản về phần còn lại của phẩm này. Như đã nêu trước đây, người đọc không nên hiểu theo nghĩa đen của những lời nói có vẻ như coi thường phụ nữ như sau đây: “Nữ nhân ấy, sau khi chấm dứt cái thân nữ nhân hiện tại, về sau sẽ không mang thân nữ nữa” và “Nếu có nữ nhân nào nghe kinh này và tu hành theo giáo lý của kinh...”.
Kế đến, về cú ngữ “sau khi đức Phật diệt độ, trong năm trăm năm cuối”, chúng ta phải xác quyết mà hiểu cho đúng nhóm từ “năm trăm năm”. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni thấy trước rằng sau khi Ngài nhập diệt, Phật giáo sẽ trải qua năm thời kỳ, mỗi thời kỳ là năm trăm năm. Theo kinh Đại Tập (Mahàsamnipàta), sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, sẽ có năm thời kỳ, mỗi thời kỳ là năm trăm năm. Trong thời kỳ thứ nhất, tâm người ta gắn vào và tận tụy với sự giải thoát, trong khi trong thời kỳ thứ hai, họ chuyên chú vào Thiền định. Hai thời kỳ này là hai thời kỳ mà Chánh pháp (Shòbò) được duy trì tinh thuần. Thời kỳ thứ ba có đặc điểm là người ta chuyên chú vào việc đọc, tụng và chép Pháp, và thời kỳ thứ tư là thời kỳ người ta dựng tháp, xây điện thờ, tức là tưởng niệm các Đạo sư và tiên tri. Hai thời kỳ này là hai thời kỳ Tượng pháp (Zòbò). Thời kỳ thứ năm là thời kỳ không còn Bạch pháp hay Chân pháp, người ta chuyên xung đột, chia rẽ, đây là năm trăm năm cuối, cũng là khởi đầu thời kỳ Mạt pháp (Mappò).
Thời kỳ năm trăm năm đầu được gọi là thời kỳ mà người ta sẽ thực hành giáo lý của đức Phật một cách chắc chắn và sẽ thoát khỏi mọi trói buộc của ảo tưởng và khổ đau. Trong thời gian này, phẩm tính vĩ đại của đức Phật vẫn còn tồn tại sâu đậm trong tâm người ta, khiến cho họ trở nên tốt hơn, và họ sẽ sống cuộc sống tâm linh thiện lành, an lạc nếu họ chỉ thực hành giáo lý. Đây là một thời kỳ dễ dàng, trong đó người ta không cần phải tự mình đạt ngộ mà chỉ cần thực hành giáo lý đúng như mình đã thọ nhận. Người ta mang ơn những đức hạnh của chính đức Phật vì họ đã thực hành dễ dàng trong thời kỳ này. Đây là thời kỳ sẽ chấm dứt sau năm trăm năm, dù giáo lý của đức Phật vẫn tồn tại mãi mãi.
Thời kỳ năm trăm năm thứ hai sẽ là thời kỳ mà những người thọ trì giáo lý của đức Phật sẽ tận tụy với Thiền định và sẽ suy nghĩ cách áp dụng giáo lý trong một thời đại mới. Xã hội sẽ thay đổi lớn khi năm trăm năm đầu chấm dứt kể từ khi đức Phật nhập diệt. Người ta sẽ phải suy nghĩ xem phải hiểu giáo lý như thế nào, áp dụng giáo lý vào xã hội như thế nào để sử dụng giáo lý cho đúng. Thời kỳ này là thời kỳ người ta gặp nhiều khó khăn khi thực hành giáo lý hơn thời kỳ trước, dù giáo lý vẫn không bị xuyên tạc. Do đó, trong thời kỳ thứ hai, Thiền định sẽ nẩy nở.
Thời kỳ năm trăm năm thứ ba sẽ là thời kỳ mà việc nghiên cứu Pháp sẽ tiếp tục nẩy nở. Trong thời kỳ này, khi mà hơn một ngàn năm kể từ khi đức Phật nhập diệt đã trôi qua, người ta sẽ xem đức Phật như là một vĩ nhân lịch sử hơn là một vị Đạo sư trong đời sống thực sự của con người. Ngài sẽ bị tách xa cuộc sống hàng ngày của người ta, và do đó người ta sẽ tôn thờ Ngài nhưng sẽ ít mong mỏi khát khao Ngài hơn. Vào lúc ấy, vì văn minh vật chất tiến bộ và xã hội trở nên phức tạp hơn, Phật giáo cho đến lúc ấy, vốn là một giáo lý sinh động trong đời sống hàng ngày của người ta, sẽ trở thành một đối tượng nghiên cứu nào đấy, theo quan điểm kinh viện.
Thời kỳ năm trăm năm thứ tư sẽ là thời kỳ mà việc dựng đền thờ và tháp tiếp tục phát triển. Trong thời kỳ này, người ta sẽ xem thường việc nghiên cứu Pháp và sẽ mong được thọ nhận ơn đức thiêng liêng của đức Phật bằng cách chỉ xây dựng tháp và đền thờ. Trong thời kỳ này, Phật giáo sẽ tiếp tục phát triển về hình thức mà tinh thần Phật giáo sẽ hoàn toàn mất đi. Những người quyền quý và có uy tín sẽ tin rằng nếu họ xây dựng những đền thờ tráng lệ thì tài sản gia đình họ sẽ được bảo đảm. Tu sĩ Phật giáo sẽ sống xa hoa dưới sự che chở của những người quyền quý và có uy tín và khối quần chúng sẽ nghĩ rằng họ sẽ được cứu độ chỉ bằng cách viếng các đền thờ và chắp tay trước các tượng Phật.
Thời kỳ năm trăm năm thứ năm sẽ là thời kỳ mà giáo hội Phật giáo bị phân rả do xung đột và dị giáo sẽ phát triển. Trong thời kỳ này, ngay cả tôn giáo thuần túy nghi thức cũng không được để ý tới một cách rộng rãi. Người ta sẽ trở nên ích kỷ và sẽ chạy theo lợi nhuận cho riêng mình và gia đình mình, đoàn thể, xứ sở và giai cấp xã hội mình. Kết quả là, họ sẽ ganh đua vì lợi nhuận và luôn luôn tranh cãi nhau. Họ sẽ đối nghịch nhau trong việc tự khẳng định lẫn nhau, điều này cuối cùng sẽ đưa đến xung đột lớn và đổ máu. Dù có ở trong những hoàn cảnh bình thường, vẫn liên tục xảy ra những mâu thuẫn lớn hay nhỏ trong xã hội, và người ta sẽ không thể sống an bình được. Thời hiện nay tương ứng với thời kỳ này.
Trong năm thời kỳ năm trăm năm, một ngàn năm đầu được gọi là xây dựng thời kỳ Chánh pháp vì giáo lý của đức Phật được duy trì và thực hành một cách đúng đắn trong thời gian này. Một ngàn năm kế tiếp được gọi là thời kỳ Tượng pháp vì giáo lý vẫn còn tồn tại nhưng chỉ ở hình thức mà thôi. Thời kỳ cuối cùng được gọi là thời kỳ Mạt pháp vì giáo lý sẽ biến mất. Trong thời kỳ này, người ta sẽ mất giáo lý vốn bất diệt và vĩnh cửu. Đây chính là thời kỳ mà giáo lý của đức Phật là cần thiết nhất. Đấy là lý do tại sao đức Phật cứ giảng đi giảng lại sự cao cả của những người thọ trì, thực hành, thuyết giảng, quảng bá kinh Pháp Hoa trong thời Mạt pháp.
Kế đến, đức Phật dạy: “Nếu sau khi Như Lai diệt độ, trong năm trăm năm cuối cùng, có nữ nhân nào nghe kinh này và làm theo giáo lý của kinh, thì đến khi mạng chung, nữ nhân ấy sẽ đến cõi An Lạc, trú xứ của đức Phật A-di-đà, có hội chúng Đại Bồ-tát của Ngài vây quanh, sẽ được sanh trong hoa sen, trên một bảo tòa”.
Khoảng năm trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, một tín ngưỡng tập trung vào đức A-di-đà (Amitàbha hay Amitàyus) bắt đầu lan rộng từ Tây Ấn Độ. Các tín đồ mong được tái sanh trong cõi Tịnh Độ, thiên đàng của đức A-di-đà, bằng cách hoàn toàn tin vào năng lực của đức Phật này. Dù đức Phật này được xem là có lòng đại từ bi và có năng lực đưa tất cả chúng sanh đến cõi Tịnh Độ, niềm tin này cũng không được toàn hảo khi mà nó còn gợi lên cái ý niệm về giải thoát nhờ tin tưởng tuyệt đối vào năng lực của Ngài. Không thể nào các chúng sanh tái sinh được ở quốc độ của đức Phật A-di-đà nếu như họ không hiểu cái chân lý phổ quát và nỗ lực thực sự để sống theo chân lý ấy. Sự cứu độ của đức Phật này sẽ được hiểu ra khi người ta theo đuổi trí tuệ và thực hiện con đường dẫn đến sự toàn hảo về tính cách của mình. Để cho tất cả chúng sanh khỏi phải ngộ nhận điều này, đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã thêm mệnh đề điều kiện cách “Nếu có nữ nhân nào nghe kinh này và làm theo giáo lý của kinh”. Niềm tin đức Phật A-di-đà sẽ hiển bày năng lực thực sự của nó nhờ đức tính của cái chân lý mà kinh Pháp Hoa dạy.
BA ĐỘC:
Đức Phật dạy tiếp: “Người ấy (vốn là người phụ nữ được hóa thân) sẽ mãi mãi không còn bị phiền não vì tham dục, không còn bị phiền não vì sân hận, không còn bị phiền não vì si muội...” Ba sự ô nhiễm tham, sân và si được xem là ba thứ độc căn bản đưa con người đến thoái hóa. Nếu họ gỡ bỏ được ba độc này khỏi tâm mình thì họ sẽ thọ nhận những công đức lớn lao. Do ba độc trong tâm, họ bị phiền não vì kiêu mạn, đố kỡ và ô uế. Khuyết điểm ô uế là chung cả nam giới lẫn nữ giới nhưng lại đặc biệt cần được phụ nữ xét đến. Điều này được biểu lộ trong cú ngữ “Nếu có nữ nhân nào...”.
Kế đến đức Phật dạy: “Nếu có người nào nghe được phẩm này về hành trạng xưa kia của Bồ-tát Dược Vương thì người ấy có thể hoan hỷ thọ nhận và tán thán phẩm này, người ấy trong đời hiện tại bao giờ cũng thở ra hương thơm của hoa sen xanh và từ các lỗ chân lông trên thân thể người ấy bao giờ cũng tỏa ra hương thơm của gỗ chiên-đàn đầu bò”. Lời dạy này có nghĩa là một người nghe được phẩm Dược Vương Bồ-tát Bổn sự này, hoan hỷ thọ nhận và tán thán phẩm này thì sẽ tạo ra một ảnh hưởng tốt đến những người chung quanh người ấy. Hương thơm của người ấy không những chỉ được giữ trên y phục của người ấy mà sẽ còn truyền đến những ai chạm vào quần áo người ấy. Cú ngữ “thở ra hương thơm của hoa sen xanh” nghĩa là những lời được nói ra bởi người hoan hỷ thọ nhận và tán thán kinh Pháp Hoa tự nhiên sẽ làm cho tâm những người chung quanh trở thành tốt đẹp. Cú ngữ “từ các lỗ chân lông trên thân thể người ấy tỏa ra hương thơm của gỗ chiên-đàn đầu bò” trỏ ý rằng những người chung quanh tự nhiên sẽ được ảnh hưởng bởi các thiện hạnh của người ấy. Đây là một trạng thái lý tưởng của tâm mà những ai thực hành Phật pháp phải đạt được cho mình.
Đức Phật dạy tiếp: “Túc Vương Hoa ! Ông hãy dùng sức Thần thông mà giữ gìn, bảo hộ kinh này. Tại sao ? Vì kinh này là lương dược đối với các bệnh tật của con người trong cõi Diêm-phù-đề”. Từ “bệnh tật” chỉ sự lệch loạn tâm thức của tất cả chúng sanh. Như đã được giải thích trước đây, tự nhiên là một người được hồi phục khỏi những rối loạn tinh thần thì người ấy cũng được chữa lành những căn bệnh thể chất. Hiểu “bệnh tật” theo nghĩa đơn giản là các bệnh tật thể chất thì sẽ gây hiểu lầm. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng về điềunày.
Trong lời kế tiếp của đức Phật “người ấy sẽ cứu tất cả chúng sanh thoát khỏi già, bệnh và chết”, các từ “già, bệnh và chế t” nghĩa là đời sống sinh tử của con người. Các từ này có nghĩa là những biến đổi lớn của đời người. Nếu con người có thể tháo gỡ mọi trói buộc của cuộc đời sinh tử thì con người sẽ không ngạc nhiên trước những biến đổi của đời người, cũng sẽ không rối rắm vì chúng.
Như được biểu lộ qua danh hiệu của ngài, Bồ-tát Dược Vương ban lương dược cho tất cả chúng sanh khiến họ lành các bệnh tinh thần. Khi các bệnh tinh thần của họ được vị Bồ-tát này chữa lành, thì các bệnh thể chất của họ cũng sẽ được cải thiện. Vị Bồ-tát này có sức thần thông chữa bệnh nhờ ngài đốt đôi cánh tay mình để cúng dường khi trong một tiền thân, ngài là Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến. Nói một cách khác, đây là do sự thực hành cá nhân của ngài về kinh Pháp Hoa. Vì Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến tự mình thực hành kinh Pháp Hoa, ngài tái sanh làm Bồ-tát Dược Vương có sức thần thông chữa lành các bệnh tinh thần của mọi chúng sanh. Việc ngài chữa lành các bệnh tinh thần cải thiện rất nhiều các bệnh thể chất.
Do đó, chúng ta đi đến kết luận: sự dốc lòng thọ trì và thực hành kinh Pháp Hoa của chúng ta trở thành một động lực trong việc chúng ta chữa lành nhiều loại rối loạn tâm thức của những người khác. Phẩm 23 dạy ta cái nguyên lý này và khích lệ chúng ta quảng bá nó.

No comments:

Post a Comment