Tuesday, March 8, 2011
EM ƯỚC ĐƯỢC LÀM NGHỀ JANITOR...
Một buổi trưa, khi Xuân và Thu đang đứng trong hành lang trước thư viện, một người đến trước mặt hai bạn, nhìn đăm đăm một chút rồi bỏ đi. Xuân kịp nhận ra chị là một phụ nữ đứng tuổi người Việt Nam. Chị đẩy một chiếc xe trên có một cái thùng to và các dụng cụ quét dọn cùng các chai hóa chất tẩy rửa. Bóng chị khuất sau khúc quanh dẫn đến khu nhà vệ sinh. Xuân và Thu hơi băn khoăn nhìn theo. Thu thắc mắc hỏi:- Nơi đây có nhân viên người Việt sao chị? Em tưởng chỉ có người đi học như chị và em….Thu bỏ lửng câu nói. Xuân im lặng. Chính Xuân cũng tự hỏi không biết người công nhân vệ sinh ấy là ai, gia cảnh thế nào. Trong đầu của Xuân vẽ ra nhiều giả thuyết. Bẵng đi vài tuần lễ, có một em trai nét mặt sáng sủa đến tìm hai bạn trong phòng thí nghiệm, ngỏ lời thay cha mẹ em mời hai bạn cuối tuần đến nhà em dùng cơm. Em cũng là người Việt, đang thực tập trong CDC, chuẩn bị tốt nghiệp đại học y khoa. Tuy có hơi ngần ngại nhưng Xuân nhận lời, Thu thấy thế cũng đồng ý theo. Ngày gặp gỡ tại nhà của em sinh viên cũng là ngày hai bạn được biết mẹ của em chính là người phụ nữ trong hành lang hôm nọ. Những lạ lùng bỡ ngỡ nhanh chóng qua đi. Xuân và Thu được tiếp đãi với một bữa cơm Việt Nam thật ngon lành và… khá thịnh soạn. Trong ngôi nhà gọn gàng và đầm ấm, cha mẹ của em sinh viên không e ngại khi tâm tình cùng hai bạn.- Chúng tôi là gia đình cựu quân nhân. Hai cô thấy đó, chúng tôi rất khó khăn trong hoàn cảnh mới. Nhưng chúng tôi không ngại. Ông xã tôi bao năm tháng ở trong “tù cải tạo”, tự học nghề mộc, nay xin làm công nhân trong một xưởng đóng bàn ghế. Tôi không có vốn liếng Anh văn, nên chấp nhận làm “nghề janitor”. Làm gì cũng được phải không các cô?- miễn được sống lương thiện và có tiền. Chúng tôi vất vả kiếm tiền nuôi các cháu học lên tới đại học và dành dụm mua nhà, mua xe. Đâu có gì phải xấu hổ, phải không các cô?Xuân không nói gì, chỉ gật đầu cảm động. Nhưng Thu đang thấm nước mắt và nói hơi nghẹn ngào:- Em cảm phục anh chị lắm. Đồng tiền anh chị làm ra, thật quý báu. Bởi vì… nó thật sạch sẽ.** Thu theo Xuân đi đến thăm nhà những người thân của Xuân thường hơn. Hai bạn siêng ra phố, vào ăn tiệm Việt Nam và đem những tờ báo về đọc. Thu càng ngày càng tỏ ra đăm chiêu, trầm mặc. Nhiều khi hai bạn nhắc lại cái ngày bị nhịn đói và cười ngặt nghẽo. Có hôm đứng lại trước một shelter (nhà tế bần), Xuân chỉ vào những người đang sắp hàng nhận thức ăn và bảo bạn:- Thật ra bảo là qua Mỹ nhịn đói cho nó lâm ly ai oán, chứ ở Mỹ không lo đói, phải không Thu? Tụi mình đói có một bữa, đâu thấm gì so với cái đói của dân mình, cái đói của những người trong “tù cải tạo”, cái đói của những em bé thất học lang thang ở đầu đường xó chợ, trên những bãi rác; cái đói triền miên của những người dân, đói không chỉ miếng ăn, mà còn đói nhiều thứ khác, đói công bằng, đói tự do, đói sự thật….Xuân nghẹn lời. Xuân không muốn nói thêm nữa… Thời gian thấm thoát qua nhanh. Hai bạn trở về Việt Nam. Những quyến luyến với các thành viên của Villa – từ nhân viên cho đến người trọ học – thật sâu sắc làm Xuân và Thu thấy rất bùi ngùi. Xuân cũng bịn rịn chia tay với gia đình người chị ruột qua cuộc thăm ngắn tại California. Rồi từ đó, Xuân và Thu, hai người bạn, hai chị em khác họ, cũng nói lời tạm biệt để sau đó kẻ nam, người bắc. Xuân đã có một quyết định. Nhìn tận mắt đất nước và con người tự do ở Hoa Kỳ, Xuân đã nhờ chị xúc tiến giấy tờ bảo lãnh đang chờ đợi. Xuân hiểu rằng ra đi đồng nghĩa với việc bỏ tất cả để làm lại từ số không. Cũng như những người bất chấp nguy hiểm đi trên sóng gió ngày trước vậy. Cũng như cha mẹ của em sinh viên kia vậy. Vợ chồng Xuân cũng sẽ như thế. Nhưng các con của Xuân sẽ có cả một chân trời của cơ hội. Hơn năm năm sau, vào cái ngày gia đình Xuân sắp rời Việt Nam, Xuân gọi điện thoại ra Hà Nội thăm Thu và vắn tắt báo tin. Đầu giây bên kia, giọng của Thu ướt sũng như chìm trong nước mắt:- Em chúc mừng chị, chúc mừng gia đình chị. Chị biết không, từ ngày đi tu nghiệp về, em đã có một cái nhìn khác đối với cuộc đời mà em vẫn sống. Ở đây, em sống trong một tầng lớp đầy danh vọng, có chức có quyền, no đủ đến thừa mứa. Nhưng em ao ước mình cũng được ra đi như chị, để cho con của em được sống trong một xã hội tốt đẹp hơn cái xã hội gian dối này. Chị ơi! Nếu được ban cho một điều ước, em xin ước rằng: “Em ước được là một “người làm nghề janitor” như người phụ nữ mình gặp trong CDC, chỉ để cho con em được giống như con của chị ấy, chỉ thế mà thôi!..”Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment