Sunday, May 8, 2011

ĐẠO SĨ VÀ CỌNG CỎ.

ĐẠO SĨ VÀ CỌNG CỎ

ĐẠO SĨ VÀ CỌNG CỎ
Đức Trí Quế Anh


TỰA Ý tưởng, đôi khi như ánh chớp, chợt lóe lên và cần được nắm giữ ngay trước khi chúng loãng vào vùng bất tận. Ý tưởng, như những giấc mơ, khi thức dậy, chỉ còn nhớ được một phần. Nguyên tác Việt ngữ của Đạo Sĩ và Cọng Cỏ được viết xong trong ba tuần, và bản Anh ngữ được hoàn tất trong bốn tuần kế đó. Đạo sĩ và Cọng Cỏ, đến với bạn, chỉ xin như ánh chớp hay như một giấc mơ. MỞ Trong khu rừng yên vắng, có một đạo sĩ sống và đạt đạo. Cảnh vật xung quanh ông là bạn bè của ông. Đôi khi ông ở trong hang núi và cũng có khi ông hòa mình vào không gian. Các loài muông thú và cây cỏ, đều không biết ông từ đâu mà tới. Ngay cả hang núi cũng không biết tại sao ông giấu cuộc sống mình trong đá. Và màu thiên thanh của trời cao thì không còn nhớ ông đã hiện hữu từ khi nào. Lún phún dưới đất là cọng cỏ vui tính. Cuộc sống của nó ngập đầy niềm hoan hỉ cùng sự hào hứng. Nó nhìn thấy những điều mới lạ mỗi ngày và tự hỏi tại sao trên đời lại có nhiều tạo vật đến thế. Khung cảnh trước mắt nó thật đẹp, nhưng cũng thật phức tạp. Khung cảnh ấy như một kiệt tác đảo lộn mà cọng cỏ chưa thể tìm ra cách thưởng thức đúng điệu. Đầu óc của nó nhẹ như tầng khí mỏng, còn thân thể nó thì tươi mát như gió núi. ĐỘNG VẬT VÀ THỰC VẬT Sau một thời gian tu luyện, đạo sĩ rời hang núi để tìm kiếm thức ăn. Đạo sĩ có thói quen ăn chay, do đó ông thường ăn lá rừng và cây cỏ. Một hôm, ông cúi xuống định bức một nhánh cỏ để ăn thì bỗng nghe: - Ấy, ông định làm gì thế, tính giết tôi à? Đạo sĩ nhìn kỹ, thì ra là nhánh cỏ mà ông định ngắt, ông đáp: - Ta đói, ta cần ăn, ta lại không ăn thịt, chỉ ăn cỏ và lá cây. Cọng cỏ hỏi: - Thế tôi đói, tôi ăn ông nhé, được không? - Ngươi đói, ngươi ăn đất, tinh khí trong đất bồi bổ ngươi, sương là nguồn nước của ngươi, - Ông nói đúng. Nhưng ông cũng được tinh khí đất trời bồi bổ ông vậy? - Đúng. Điều khác giữa ta và ngươi là ngươi có thể quang hợp, dùng ánh sáng mặt trời để tự tạo ra thức ăn. Còn ta không quang hợp nên cần thức ăn lấy từ ngoài cơ thề, vả lại ta ăn chay, chỉ ăn thực vật. - Tại sao? – Cọng cỏ thắc mắc. - Ăn thực vật giúp ta hạn chế được dục tính, bớt được phiền não, tốt cho cơ thể ta. Cọng cỏ kết luận: - Như vậy ông là động vật ăn cỏ à? Đạo sĩ cười lớn: - Ngươi dí dỏm lắm, có thể ngươi đúng. Cọng cỏ lại hỏi: - Theo ông động vật có quyền ăn thực vật sao? Đạo sĩ trầm ngâm rồi đáp: - Đó là lẽ tự nhiên. Cọng cỏ không phục: - Như vậy là không phải rồi đó, ông không thấy bất công sao? Thực vật có đòi ăn động vật bao giờ đâu? - Ngươi sai rồi. Một số loài thực vật cũng bẫy động vật để ăn đấy chứ. Các loài thực vật còn lại được nuôi bằng nước, không khí, ánh sáng, và đất. Động vật được nuôi bằng thực vật hay bằng chính động vật. Khi động vật chết trở về cát bụi lại nuôi dưỡng thưc vật. Vậy không phải là động vật và thực vật đều nương nhau mà sinh tồn sao? Đạo sĩ nói xong, bỏ đi. Còn lại một mình, cọng cỏ bấu rễ xuống từng thớ thịt của đất ăn bữa điểm tâm và chiêm nghiệm sự liên hệ giữa thực vật và động vật.

DỤC TÁNH VÀ LÝ TRÍ. Đạo sĩ lững thững trở về, cọng cỏ nhìn ông, hình như ông đã kiếm được thức ăn. - Ông đã ăn loài gì? - Cọng cỏ hỏi nhỏ. - Lá cây, đã nói ta chỉ ăn chay, đồng nghĩa là loài thực vật. - Ông từng nói ăn chay hạn chế tính dục trong người ông. Thế ra ông dùng thực vật để kiềm hãm dục tính? - Có gì là sai? - Sai thì có lẽ không, nhưng dùng ngoại vật để nén nội tâm, vậy nội công ông chắc còn yếu? - Ngươi khoan hãy vội kết luận như vậy. Vạn vật sanh ra đều cần ăn uống hay có sự nuôi dưỡng. Ta không phải là một ngoại lệ. Ăn cũng là tập luyện. Lý trí ta bảo ta ăn thực vật để giúp đỡ cơ thể ta lành mạnh. Từ suy nghĩ đến hành động ta đều nhất quán, không hỗn loạn. Tự lý trí ta đã đè nén ta trước khi ta ăn. Vậy sao bảo ta dùng ngoại vật để tự chủ dục tính? - Thế dục tính có còn trong người ông không? - Dục tính luôn ở trong ta, nhưng dục tính không hẳn là kẻ thù cần phải loại bỏ. Dục tính có thể trở thành bạn đồng hành khi lý trí và dục tính hiểu nhau. - Ông nói lý tưởng và mơ hồ quá! - Khi lý trí hiểu tánh tự nhiên của dục tính, lý trí sẽ hướng dục tính đến thiện tính. Vậy không phải là bạn đồng hành sao? - Nếu là đồng hành, tại sao không phải là dục tính hướng dẫn lý trí? - Cọng cỏ thắc mắc. - Nếu dục tính hướng dẫn lý trí, mọi sự sẽ bị đảo lộn. Có thể ta sẽ tìm giết những vật yếu đuối trong cơn đói. Có thể ngươi sẽ bành trướng khắp quả địa cầu vì ngươi muốn đi đây đi đó. Có thể đêm sẽ không tàn, lửa sẽ không tắt, sức nóng sẽ nung chảy địa cầu hay có thể băng tuyết không ngừng kết tinh. Lúc đó ta và ngươi sẽ không có cơ hội nói chuyện nữa. Lý trí đồng hành với dục tánh là cả hai cùng bổ túc cho nhau. Ta nói “hướng” ở đây là hướng về thiên tính, về sự dung hòa, chứ không phải “hướng” là thi thố quyền lực hay cai trị nhau. Cọng cỏ im lặng. Có lẽ, cọng cỏ đang tìm hiểu về dục tính của mình. Đạo sĩ đã bỏ đi từ lúc nào.

LỬA VÀ BÓNG ĐÊM Hoàng hôn lên, đỏ rực một vùng trời đang chuyển đông. Tiếng chân đạo sĩ tuy nhẹ nhưng đủ thức tỉnh cọng cỏ. Trên vai đạo sĩ vác bó củi khô. Cọng cỏ reo lên: - Ông về rồi, tôi có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho ông đây! Đạo sĩ tỏ vẻ bình thản, sắp củi trên một lô đất được che đậy bằng vài cục đá to, nhóm lửa. Bóng đêm dày đặc, chen chúc tránh khỏi hình dáng nhấp nháy chỗ đạo sĩ ngồi. Cọng cỏ, có vẻ như không chịu nổi nữa, hét lên: - Ông chuẩn bị chưa, tôi hỏi đây! Đạo sĩ quăng thêm củi vào đống lửa, giọng trầm trầm: - Ngươi cứ tự nhiên, ta cứ tự nhiên. - Ông đốt lửa làm gì? Ông tu luyện đã lâu, da thịt ông chắc phải chịu được khí lạnh mùa đông? Đạo sĩ mỉm cười: - Ta đốt lửa không phải để sưởi, mà muốn cùng lửa trò chuyện. Cọng cỏ ngạc nhiên: - Ông trò chuyện với tôi chưa đủ sao? Đạo sĩ chậm rãi: - Ngươi là sinh vật đứng một chỗ, lửa thì biến dạng, thay hình và tỏa ra sức nóng. Ta muốn đối thoại với sự biến hình trong bóng đêm. - Lửa là do ông dựng nên, ông muốn đối đáp với cái ông dựng nên? - Tại sao không? Cho dù là ta dựng nên lửa, lửa vẫn khác ta, có tính của lửa. Lửa vừa mang lại sự sống, vừa hủy hoại sự sống. Ta muốn nghiệm quyền lực của lửa. Cọng cỏ tỏ vẻ chưa hiểu: - Ông nghiệm được gì? - Lửa ngăn cản bóng đêm nhưng không xóa được bóng đêm. Cọng cỏ lắc lư: - Tôi không hiểu. - Lửa giống như cơn thịnh nộ, tự ái của chúng sanh được biểu hiện qua hành động tiêu diệt mọi thứ, nhưng kết cuộc những thứ bị tiêu diệt vẫn hồi sanh. Cọng cỏ vẫn có một cái gì lẩn quẩn trong đầu. - Xin ông nói cụ thể hơn. - Cho dù lửa có dữ dằn cách mấy, tiêu hủy nhiều cách mấy, thì rồi vẫn có lúc phải tàn lụi, biến thành tro than, đất bụi. Mầm sống cũng sẽ nảy sinh từ đó. Đến đây, cọng cỏ hiểu ra. Hình dáng bập bùng thỉnh thoảng kêu lên vài tiếng lách tách của lửa đã ru cọng cỏ vào khoảng cô tịch.

TÂM THỨC Khoảng không đổi từ màu đen hắc sang hồng rồi dần dần vàng ánh ở phía chân núi. Lão mặt trời hôm nay dậy trễ. Tia mắt lão chạm vào cọng cỏ làm nó thức giấc. Việc đầu tiên cọng cỏ nghĩ là đốm lửa và đạo sĩ. Nó nhìn qua, thì ra đạo sĩ vẫn ngồi yên như vậy, duy chỉ có đốm lửa là tắt ngấm, để lại vài khóm tro xám. Cọng cỏ định mở miệng hỏi thì đạo sĩ mắt tuy nhắm nhưng đã hỏi trước: - Ngươi dậy rồi à? Cọng cỏ ngạc nhiên: - Sao ông biết? Ông đang ngủ hay đang thức? Ông ngồi đó suốt đêm à? - Ta ngồi đây suốt đêm, ta vừa thức vừa ngủ. - Tại sao? – Cọng cỏ lại ngạc nhiên. - Cơ thể ta trong trạng thái ngủ, nhưng tâm ta luôn tỉnh thức. Cọng cỏ cười một cách lí lắc: - Ông nói giỡn, phải không? - Nếu trong khi ngủ mà đạt được sự tỉnh ở tâm thức thì con người mới tự chủ được cảm xúc của mình. - Đống lửa tắt rồi, ông có định đốt lại không? Đạo sĩ cười: - Lửa cũng phải tắt chứ, cơn nóng giận, buồn bã hay vui sướng cũng phải nguôi, không có gì hiện hữu là kéo dài mãi được. - Thế ông cũng tàn như đống tro kia, phải không? - Ta không phải sanh ra để trường sanh bất tử. Ta chỉ sống cho đúng với cá tánh tự nhiên của ta. - Cá tánh tự nhiên của ông thế nào? - Đem hơi thở mình hòa vào thiên nhiên. Khi nào hơi thở cạn thì thân thể ta sẽ cạn. - Thế tâm thức của ông có cạn không? - Ta chưa biết, bởi vì thân thể ta chưa cạn. - Ông tu luyện, sao không tiên đoán được sự trường tồn của tâm thức. - Ta chỉ nói những gì ta cảm nhận. Ta không muốn khoác lác, nâng cao tâm thức ta. Tu luyện để đạt sự thanh thản trong tâm hồn, hướng con người hòa đồng với vũ trụ. Cọng cỏ đu đưa thân hình như đồng tình. Nắng lên cao, phả hơi ấm khiến cọng cỏ lại bắt đầu thấy buồn ngủ. Từng lời nói của đạo sĩ như tiếng vang vọng đi vào từng sợi gân trên thân cỏ.

TRUYỀN ĐẠT TÂM THỨC Sau một giấc ngủ với lời vọng của đạo sĩ, cọng cỏ thức tỉnh, đạo sĩ vẫn ngồi yên thở đều và nhẹ. Đạo sĩ hỏi cọng cỏ: - Tâm ngươi thức chưa? - Tôi thức rồi, dĩ nhiên tâm phải thức chứ. - Chưa hẳn đâu, nghe ngươi nói vậy có thể tâm ngươi vẫn còn ngủ đấy. - Sao ông nói vậy? - Gọi là tâm thức, nghĩa là ở trạng thái đồng cảm với suy nghĩ, hơi thở và ngay cả dục tính, hành động của mình. Tâm thức thấy được hết những gì mình đã làm và sẽ làm. - Ông nói giống như tâm thức có phép màu vậy đó. - Tại sao không? Chính vạn vật đã là một sự kỳ diệu. - Làm sao tâm thức được giữ mãi? - Tâm thức được trường tồn là do chính vạn vật nuôi dưỡng và gầy sinh nó. Tâm thức ở ngay trong vạn vật. Khi vạn vật còn thì tâm thức còn. - Làm sao có thể giữ mãi tâm thức của vạn vật? - Do sự truyền đạt. Hãy nhìn chính ngươi. Nếu vũ trụ không truyền cho ngươi cách sống và sinh sôi, có lẽ sẽ không có ngươi. Cọng cỏ suy nghĩ hồi lâu rồi hỏi: - Tôi và các loài thực vật có rễ và hạt giống để sinh sôi. Các loài động vật có con cái để truyền đạt, thế núi đá kia có truyền đạt tâm thức không? - Tất nhiên, ta ngồi trong hang đá, nghiệm ra nhiều lẽ sống, đó chẳng phải là do hang đá truyền cho ta sao? Những kẻ khác nhìn vách đá biết được nhiều điều, đó cũng là truyền đạt. - Còn ông, ông sẽ truyền đạt bằng cách nào? - Bằng cách san sẻ tư tưởng và tâm thức của ta cho kẻ khác. - Ông có chọn môn đệ nào chưa? - Tại sao phải chọn? Ta đang ở giữa vạn vật. Tâm thức của ta và của vạn vật hòa vào nhau. Ta và vạn vật đã từng truyền đạt tâm thức cho nhau. Không có thầy và trò trong việc truyền đạt tâm thức. - Thế khi nào tôi mới có thể cùng ông truyền đạt tâm thức? - Không phải ta và ngươi đang truyền đạt tâm thức hay sao? Thế rồi sự yên lặng bao trùm đạo sĩ và cọng cỏ. “ Ta có nhận tâm thức của đạo sĩ không?” Cọng cỏ thầm nghĩ.

BÌNH ĐẲNG VÀ HOÀN HẢO Âm thanh của móng vuốt, bàn chân, hơi thở của hai loài thú rượt đuổi nhau khiến cọng cỏ chú ý, nó nghiêng mình xuống sát đất để tránh khỏi bị giẫm lên. Một con báo đen đang rượt một con nai, nhưng chỉ trong vài khắc sau, con báo đã dứt điểm con nai bằng một cú phóng xa và chính xác. Cọng cỏ rùng mình, gọi đạo sĩ: - Này, ông có thấy gì không? Đạo sĩ từ trong đá bước ra, thản nhiên: - Đó là luật sinh tồn của vạn vật. Như ta từng nói, ta cũng ăn, ngươi cũng ăn, và chúng thì cũng phải ăn. - Tôi hiểu, nhưng tôi cảm thấy trong sự sống không có sự công bằng. - Thì ra ngươi tội nghiệp cho kẻ thù của ngươi. - Kẻ thù của tôi? - Không phải nai ăn cỏ sao? - Tôi biết vậy, nhưng vẫn thấy trong thiên nhiên thiếu sự bình đẳng. - Sự thiếu bình đẳng đã có trong vũ trụ từ xưa đến nay. Tạo hóa sản sinh ra con vật mạnh ăn con vật yếu. - Như vậy ông may mắn hơn tôi rồi. - Tại sao ngươi nói như vậy? - Vì ông mạnh hơn tôi, và chắc chắn nhiều quyền lực hơn tôi. - Đừng nên hạ thấp giá trị của ngươi. Ta và ngươi có những khả năng riêng biệt. Trong cơ thể ngươi và ta, mỗi bộ phận cũng có chức năng riêng biệt, không thứ gì hoàn toàn có quyền lực trên mọi thứ hiện hữu khác. Tất cả đều có chung một quyền được sống. - Ông có vẻ mâu thuẫn quá! Ông nói đi, vũ trụ này hoàn hảo hay không hoàn hảo? Bình đẳnng hay không bình đẳng? - Sự hoàn hảo có thể đồng nghĩa với sự không bình đẳng và sự bình đẳng có thể lại là sự không hoàn hảo. Vũ trụ có cái “hoàn hảo” của vũ trụ, con người có cái “hoàn hảo” của con người, cọng cỏ ngươi có cái “hoàn hảo” của riêng ngươi. - Như vậy, chẳng lẽ tất cả những thứ hoàn hảo gộp chung lại thành ra sự không hoàn hảo? - Có thể lắm – Đạo sĩ gật gù. - Tại sao? – Cọng cỏ nhíu mày. - Khi có quan niệm hoàn hảo, tâm thức bị cuốn theo một con đường duy nhất hướng thiện. Như vậy, nếu có nhiều con đường hướng thiện thì các loài và ngay chính đồng loại sẽ chỉ gặp nhau ở ngã rẽ. - Ông càng nói tôi càng thấy bi quan. - Ngươi không nên bi quan, và không cần bi quan. Các loài có thể chia rẽ sự “hoàn hảo” của riêng mình nhưng chớ coi trọng. Bởi vì ý nghĩa của cuộc sống là một sự “không hoàn hảo.” - Tôi hơi rối. Ông có thể giải thích thêm? - Nếu ta cho là ta hoàn thiện, thì ta sẽ coi thứ khác không giống ta là không hoàn thiện. Vì ta muốn sống trong một vũ trụ hoàn thiện, ta sẽ thay đổi những thứ khác để chúng trở thành hoàn thiện theo ý ta. Như vậy ta đã cố tình làm thay đổi sự sắp xếp của tạo hóa, trong khi cái hoàn thiện của ta chưa chắc là cái hoàn thiện tuyệt đối. - Vậy theo ông thì phải làm sao? - Hãy quý sự hoàn hảo của chính ngươi, của những vật xung quanh ngươi, và của vũ trụ. Phải hiểu rằng mọi vật được xếp ngang nhau. Những thứ không hoàn hảo trong con mắt ngươi chính là để giữ cho sự quân bình của vạn vật. Đó mới là sự hoàn hảo thực. Làn gió nhẹ, ve vuốt thân hình xanh mướt của cọng cỏ, rắc lên đấy vài hạt bụi. Cọng cỏ nghĩ: “Ngọn gió kia, hạt bụi kia, chúng mi có hoàn hảo không?”


BÌNH MINH HAY CHÂN LÝ Bình minh le lói cuối chân trời vuốt lên những giọt sương đêm đọng đầy trên cỏ làm chúng hoảng hốt tan biến mất. Mở mắt, như đã thành một thói quen, cọng cỏ nhìn qua đạo sĩ. Vẫn chỗ ngồi cũ, tư thế cũ, đạo sĩ luôn có vẻ ung dung, không chút lo lắng. - Ông nghĩ sao về bình minh? - Nguồn sống cho vạn vật. Đối với nhân loại, bình minh được ví như chân lý. - Chân lý? Chân lý gì? - Bình minh đem lại sự tươi sáng, nuôi dưỡng muôn loài. Bình minh rọi thẳng vào tận tâm thức, an ủi nỗi khổ đau mà muôn loài phải gánh chịu. Do đó, loài người ví bình minh là chân lý, là sự soi sáng, sự thật và rộng hơn, nguồn thiên nhiên sống đạo. - Thế tâm thức thì sao? Không phải là chân lý sao? - Ta đã nói tâm thức ngay trong vạn vật. Dĩ nhiên tâm thức là chân lý. - Vậy chỉ có một chân lý à? - Chân lý chỉ là ngôn ngữ mà loài người dùng để biểu lộ niềm tin của mình vào điểm tựa cuộc sống. Chân ý có thể chỉ có một hay có thể đếm không hết. - Tại sao? - Giống như tâm thức. Mỗi loài đều có chân lý khác nhau, duy tất cả vạn vật đều chia xẻ một thứ chân lý chung, vũ trụ chân lý. - Ông có vẻ trừu tượng hóa. - Hãy nhìn chung quanh ngươi và ta. Ta và ngươi đều không cùng loài, suy nghĩ sẽ không giống nhau, nhưng không phải chúng ta cùng chia xẻ không khí trong vũ trụ sao? - Thế chân lý của loài người như thế nào? - Đạt hạnh phúc, an lạc trong tư tưởng, tâm thức. - Vậy loài người có đạt được chân lý không? - Có và không. - Tại sao? - Đã có người đạt được chân lý, truyền đạt lại cho nhân loại, nhưng đến nay thế giới loài người vẫn còn chiến tranh. - Vậy loài người tàn bạo hơn cọng cỏ tôi đó. Tôi chưa bao giờ gây sự đánh nhau với ai cả. - Về điều này, ngươi có phần đúng. Nhưng riêng phần ngươi, chớ đừng vì một chút đất mà dành quyền sống với các loại cây cỏ khác nhé. Cọng cỏ cong thân, gật gù. Đạo sĩ vẫn tiếp tục ngồi, cảnh vật ấm hơn, còn cọng cỏ vẫn tiếp tục suy nghĩ về chân lý của loài cỏ.

NGHỆ THUẬT CỦA MỖI LOÀI * Vài chiếc lá thu khô rớt xuống ngay cạnh cọng cỏ. Cọng cỏ nhìn ngang, nhìn dọc, trông chiếc lá thật lạ mắt. - Đẹp thật! – Cọng cỏ hào hứng. Bỗng, một con giun từ đâu bò lên chiếc lá ngo ngoe hít ngửi, bò qua bò lại. - Đúng là đồ giun dế! Không biết thưởng thức nghệ thuật! – Cọng cỏ quát lên. Con giun ngơ ngác nhìn quanh, nhận ra cọng cỏ, con giun cười: - Mi làm gì mà giận dữ thế? - Chiếc lá khô đẹp như thế mà mi bò lên, in dấu ngoằn ngoèo, thật là phản nghệ thuật. - Vậy thế à? Xem ra mi cũng thích thưởng thức nghệ thuật. - Dĩ nhiên, nghệ thuật là cảnh đẹp xung quanh. - Nghệ thuật nằm trong vạn vật, có phải không? - Phải thì sao? - Như vậy mi cũng là nghệ thuật? - Tất nhiên. - Thế tại sao ta thì là phản nghệ thuật? - Mi là loài giun dế, mi biết gì về nghệ thuật. - Mi không phải là ta, sao dám khẳng định ta không có nghệ thuật? - Nghệ thuật của mi là gì? - Mi nói trước đi, nghệ thuật của cọng cỏ mi là gì? - Là cảm xúc, rung động trước một vật gì, một cảnh gì. Ta nhìn thấy chiếc lá khô, cảm xúc vì hình hài của chiếc lá, rung động vì màu sắc của chiếc lá, ta cho đó là nghệ thuật. - Mi có cảm xúc của mi, ta có cách xúc cảm của ta. Ta nằm trên chiếc lá, thưởng thức mùi thơm của lá, cảm nhận được sự mềm mại của lá, và những đường gân li ti trên lá kia mới chính là nghệ thuật. - Nhưng mi nằm trên chiếc lá thì còn gì là nghệ thuật của chiếc lá nữa. - Tại sao? - Vì mi xấu xí. Con giun cười lớn: - Đối với ta, vật nào có thân hình căng tròn như ta, cơ thể uốn éo như ta mới là tuyệt đẹp. Còn mi, mi xanh le xanh lét và gầy nhom thế kia, mới đúng là xấu xí. Hơn nữa ta cho rằng chiếc lá khô có ta nằm ở trên lại càng nghệ thuật hơn. Cọng cỏ còn giận, nhưng im lặng, nó nhìn con giun tiếp tục ngo ngoe hít ngửi, còn nó thì tiếp tục nhìn ngang, nhìn dọc.

NGÔN NGỮ CỦA MỖI LOÀI Cái lành lạnh ban mai tỏa khắp. Cọng cỏ mở mắt, hít một hơi, thưởng thức mùi vị đất trời hòa trộn. Hơi lạnh từ từ tan đi, cũng là lúc cành lá sột soạt. Cọng cỏ nhìn lên, thấp thoáng đằng kia một bóng người và một bóng vật đang tiến đến gần. - Có ai đang đến – Cọng cỏ nói khẽ. Đạo sĩ tuy ngồi im như pho tượng, nhưng hình như ông đã thấy được tất cả chung quanh. - Một cô con gái đang đi cùng một con chó. - Trong khu rừng tĩnh vắng này, tôi tưởng ông là loài người duy nhất? Đạo sĩ cười: - Nhưng ta thì không nghĩ ngươi là cọng cỏ duy nhất. - Cô ta định vào đây tu hay sao? - Thế ngươi cũng ở đây, ngươi có tu chưa? - Ông xem kìa, con chó và cô ta rất hiểu nhau, tôi chưa thấy họ bất đồng ý kiến, mặc dù họ khác loài. - Chẳng có gì lạ cả. Tâm thức họ đang làm việc đời thường ấy. - Nghĩa là sao? - Họ trao đổi bằng chính tâm, thức, tịnh, động, và ngộ. Tuy không cùng loài, nhưng khi tâm “thức” thì tâm của loài người sẽ cùng trò chuyện với tâm loài khác, cũng giống như ta và ngươi, hay ngươi và con giun. - Thế thì tâm tôi luôn “thức” đấy nhé. - Hãy khoan kiêu ngạo. Ngươi còn phải “thức” nhiều hơn nữa. - Này nhé, cọng cỏ tôi có cái “thức” của tôi, ông có cái “thức” của ông, cô gái và con chó cũng có cái “thức” riêng của họ, phải không? – Cọng cỏ giả cách lập luận của đạo sĩ một cách tinh nghịch. - Ngươi tự học lấy, cần gì phải nhái ta? Cô gái tới gần, cất tiếng hỏi rụt rè: - Thưa ông, tôi cảm thấy bị lạc đường, xin ông chỉ cho lối ra. - Lạc đường thì không, bởi vì chỗ nào cô cũng có thể dung thân, chỗ nào cũng là nhà của cô, nhưng nếu cô muốn ra khỏi khu rừng này thì phải mất độ vài ngày. Cô gái mệt mỏi bỏ hành trang trên vai xuống, con chó cũng ngoan ngoãn nằm xuống, dường như nó cũng mệt. Cô gái chỉ một nơi bằng phẳng và kín gió: - Tôi có thể dựng lều ở đây được chứ? - Tất cả khu rừng này thuộc về cô. Cô gái bắt đầu dựng lều, con chó chạy quanh giúp đỡ vài thao tác nhỏ. Cọng cỏ chăm chú theo dõi, nó chưa lên tiếng vội, nó còn đang phân vân, sự hiện diện của cô gái và con chó có phá đi không khí “đạo sĩ và cọng cỏ” mà chính nó không bao giờ muốn mất? Cọng cỏ mơ màng, “Không biết cô gái và con chó có thể hiểu được ngôn ngữ của loài cỏ không nhỉ?”


ĐẠO VÀ QUYỀN LỰC Ánh nắng rực rỡ nhưng dịu ấm như muốn chào đón hai sinh vật mới trong khu tĩnh mịch này. Cô gái và con chó đã thức sau môt giấc ngủ mệt mỏi. Từng cử chỉ của cô gái và con chó được cọng cỏ chú ý và nó nhất quyết theo dõi mọi diễn tiến mà theo nó, lạ lùng và kỳ bí. Cô gái hỏi đạo sĩ: - Ông ngồi thiền đã bao lâu rồi? - Ta không thể nhớ, chỉ biết ta ngồi từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời mọc. - Ông nhắm mắt như thế, ông có thấy gì không? - Cách nhắm mắt của kẻ khác có thể là cách mở mắt của ta. Ta có thể thấy nắng chào đón muôn loài, thấy mây và gió tình tự, thấy lá cây trò chuyện với nhau, thấy những con vật đi kiếm ăn, thấy trăng đàm đạo với các vì sao, và nhiều điều khác. - Ông triết lý lắm, ông đạo gì? - Vạn vật ở xung quanh ta là nguồn sống của ta, có thể nói ta theo đạo thiên nhiên. - Đạo là gì đối với ông? - Tìm hiểu tâm thức, bản tính của muôn loài. - Vậy theo ông trong muôn loài có bao nhiêu đạo? - Nhiều nhưng cùng ở trong một. - Tại sao? - Cây có đạo cây, ta có đạo ta, cô có đạo cô, không khí có đạo không khí, vân vân. Nhưng chúng đều sống trong vũ trụ. - Vậy đạo nào có quyền năng nhất, có phải đạo vũ trụ không? Theo ông nói, tất cả các loài đều nằm trong vũ trụ. - Các loài nằm trong vũ trụ, nhưng đạo của vũ trụ không hẳn là tối cao. Nếu không có các loài làm sao hình thành vũ trụ được. - Theo ông, vũ trụ không tự có sao? Và có trước khi có các loài và sự sống? - Có thể lắm, nhưng đó chỉ là cách nói tương đối. - Cách nói tuyệt đối thì thế nào? - Ta chưa biết, chỉ biết rằng vũ trụ sanh ra vạn vật, vạn vật cũng có thể sanh ra vũ trụ. Ở trong vạn vật có vũ trụ. - Phải có một khởi điểm chứ? - Tất cả các điểm đều là khởi điểm và là dứt điểm. - Theo ông chẳng có quyền lực nào tối cao hay sao? - Quyền lực của vũ trụ là tạo ra sự cân bằng cho các loài, các vật. Quyền lực của các loài là tạo ra nguồn cảm thông lẫn nhau cũng như giữa các loài và vũ trụ. Các quyền lực khác nhau, không thể so sánh được. Quyền lực mà loài kiến cho là tối cao chưa hẳn là tối cao của loài người. Cái tối cao trong sự hiểu biết của loài người chưa chắc là sự tối cao đích thực. - Thế theo ông hành đạo là sao? - Các loài sống theo chức năng của mình, dùng quyền lực của mình để hỗ trợ các loài khác. Ta nhấn mạnh, chỉ hỗ trợ mà không làm chủ. Các loài phải tự biết lúc nên đến, lúc nên đi, như bình minh và hoàng hôn. Các loài phải tự biết vị trí của mình, khi nào nên phô trương đạo của mình, khi nào thì không phải lúc, như mặt trăng và mặt trời, ánh sáng và bóng tối. Đạo của muôn loài luôn di chuyển theo vòng tròn. Cọng cỏ liếc nhìn con chó, nó đang nằm im, đầu nghểnh cao, lim dim cặp mắt. Cô gái thì cúi đầu, nhìn chăm chăm không chớp mắt vào chính cọng cỏ.

SỐNG VÀ CHẾT Đêm chầm chậm đến. Đạo sĩ, cô gái và con chó quây quần bên đống lửa. Sao đêm nay có vẻ nhiều hơn mọi đêm. Cọng cỏ vẫn ráng thức để theo dõi họ. Cô gái mở đầu: - Ông có bao giờ chuẩn bị cho cái chết đến không? - Chuẩn bị làm gì nếu như sống chết chỉ là một? - Nhưng ông không nghĩ rằng chết là sự chấm dứt hoạt động của thân xác? - Nhưng con người còn có linh hồn. - Ông muốn nói linh hồn sẽ về trú ngụ ở một trong hai nơi thiên đàng hay địa ngục? - Thiên đàng khác địa ngục ra sao? - Thiên đàng là nơi tâm hồn thanh thản, còn địa ngục là nơi tâm hồn bị giày vò, bức rức. - Nếu như vậy thì quả là ta đang ở thiên đàng, chưa cần đợi đến lúc thân xác trở thành vô hồn. - Ông không coi trọng sống chết à? - Ta đã sống chết nhiều lần rồi, có gì mà sợ. - Ông không đùa chứ? - Mỗi ngày, ta ngồi đây ngủ giữa vũ trụ, tâm hồn chẳng vướng bận gì, coi như ta đã chết. Lúc mở mắt thấy vật vật trong lành hồi sanh, không phải là ta sống lại sao? - Nhưng vẫn có một cái chết cuối cùng chứ, ông đâu thể trường sanh bất tử. - Khi nào là cái chết cuối cùng? - Hơi thở ông ngừng, tim ông đứng yên, và bộ não ông thôi hoạt động. - Ngừng ở xác này nhưng chưa ngừng trong không gian. - Sau khi rời khỏi xác, linh hồn ông đi về đâu? - Thiên đàng, địa ngục, quá khứ, hiện tại, tương lai, vô hình hay hữu hình đều là ở đây, tại sao phải đi nơi khác. - Nói thế, ông đã ở địa ngục rồi à? - Đúng vậy. Khi ta đói, bụng ta cồn cào khó chịu. Khi ta no, đầu óc ta mê ngủ không sáng suốt nữa. Những thứ ấy là nguồn gốc của địa ngục. - Thiên đàng địa ngục ở trong ông à? - Ở trong ta, ở trong ngươi, ở trong mọi loài. - Thế bây giờ ông đang sống hay đang chết? - Ta đã nói, sống chết chỉ là một, cho nên ngươi bảo ta sống thì là ta đang sống, mà bảo ta chết thì là như thế. Ánh lửa nhỏ dần, chìm hẳn. Cọng cỏ ngáp dài, nó rũ người, thử chết xem sao.


PHÁT MINH HAY TÌM THẤY Mưa rơi trong cơn gió chiều vẫn không làm đạo sĩ cử động. Cô gái và con chó ngồi trong lều, phía trên đã được cô gái cẩn thận chăng một tấm bạt lớn. Còn cọng cỏ đong đưa, nhún nhảy, cảm giác lâng lâng như đang say, nó rất thích mưa. - Sao ông không trú mưa, ông không sợ bị cảm lạnh à? - Mưa thì cũng là ta, tại sao ta phải trú ta? - Thiên nhiên đạo có phải do ông sáng tạo ra không? - Ta chưa sáng tạo gì cả, tất thảy đều đã có sẵn. - Vậy thì các triết thuyết, phát minh khoa học không phải đã từng được sáng tạo sao? - Tưởng là sáng tạo, thực chất chỉ là tìm thấy. Trước khi loài người tìm ra châu Mỹ, thì châu Mỹ đã ở sẵn đó rồi. Trước khi người ta tìm ra một triết lý thì triết lý đó đã tồn tại. - Thế tại sao người đời lại tôn họ lên hàng vĩ nhân nếu họ chỉ là những người tìm thấy? - Không phải ai, loài nào cũng có thể tìm thấy. Chỉ có những người có duyên mới có thể tìm thấy những điều mà người khác không nhìn ra. Những người này rất xứng đáng được gọi là vĩ nhân. - Vậy ông cũng đã từng tìm thấy thiên nhiên đạo, ông có đáng được gọi là vĩ nhân không? - Vĩ nhân hay tiểu nhân là do người đời đề xướng, cô muốn gọi ta là gì cũng được, ta chưa nghĩ tới. Vả lại, ta sống trong thiên nhiên, nơi đây những từ ngữ vĩ nhân hay phát minh chẳng mang ý nghĩa đặc biệt nào cả. - Ông không nghĩ như vậy là ích kỷ sao? Người đời cần ông, sao ông lại trốn tránh, cô độc một mình trong khu rừng vắng không một bóng người này? - Ta còn chưa tìm thấy hết những điều ta muốn tìm. Vả lại ở đây, ta vẫn có thể truyền đạt sự biết của ta cho những nơi cần, người đời chưa chắc đã cần ta. - Tại sao? - Những gì ta biết nằm trong vạn vật, trong từng loài, phải tự nghiệm lấy thôi, không cần đến ta. Còn cô, cô “tìm thấy” chốn này, thế cô có truyền cho người khác không? - Nếu tôi thấy là cần thiết. - Nên nhớ, khám phá là mầm mống của sự hủy diệt. Mưa mỗi lúc một lớn, ngôn ngữ của đạo sĩ và cô gái tan loãng trong mưa, tạt vào thân cọng cỏ mát rượi. Đạo sĩ ngồi giữa vũng nước, mặt không chút biểu lộ trong khi cô gái chăm chú nhìn về hướng đạo sĩ. “Cô ta đamg tìm kiếm cái gì nhỉ? Và mình thì đã tìm thấy được gì nhỉ?” Cọng cỏ nghĩ thầm.

Ý THỨC VÀ TIỀM THỨC Cọng cỏ hôm nay dậy sớm. Nó muốn tiếp tục theo dõi cô gái và con chó. Cô gái ngủ quên ở ngoài trời, lưng dựa vào vách núi. Khuôn mặt cô thoáng nét mệt nhọc và hoảng hốt. Con chó cắn nhẹ vào tay cô gái lúc lắc làm cô gái giật mình choàng tỉnh. Đạo sĩ vẫn ngồi ở chỗ cũ, điềm tĩnh hỏi: - Có phải cô vừa trải qua một giấc mộng khó hiểu? - Sao ông biết? - Chuyện ấy vẫn thường xảy ra. - Vậy ông có hay mơ không? - Ta luôn luôn mơ. - Ông thấy gì trong giấc mơ? - Rất nhiều điều. Ta thấy và gặp những gì mà khi ý thức, ta không thể gặp được. - Tôi vừa có một giấc mơ thật kinh khủng. Trong mơ tôi cũng ngồi ở chỗ này. Có hai người mặt mũi quái đản đi về phía tôi. Tôi cảm thấy sợ hãi nên nấp vào hang núi. Họ cũng vào hang núi. Tôi hốt hoảng vụt chạy trong bóng tối và rớt xuống một vực sâu. Đúng lúc đó thì tôi giật mình thức giấc. Đạo sĩ gật gù: - Sâu trong hang núi, quả có một vực thẳm. Cô gái vô cùng ngạc nhiên: - Tại sao tôi có thể mơ thấy những điều có thật mà chính tôi chưa biết tới? - Đó là do tiềm thức của cô hoạt động. - Nghĩa là…? - Tâm thức có ý thức và tiềm thức luôn luân phiên hoạt động. Khi ý thức nghỉ ngơi là lúc tiềm thức làm việc. Ngay trong lúc ngủ, đầu óc cô vẫn liên tục “thức.” - Khi tôi mở mắt thì tôi vẫn ngồi đây, vậy tôi có thật sự chạy vào hang núi không? - Phần xác cô ngồi đây, phần hồn của cô thì chạy vào hang núi. - Nói như vậy, lúc đó tôi đang chết à? - Sống chết chỉ là ngôn ngữ mà thôi, không phải là điều quan trọng. - Ý thức và tiềm thức khác nhau ra sao? - Ý thức thuộc về thế giới hữu hình, tiềm thức thuộc về thế giới vô hình đối với con người. - Tôi có thể kiểm soát được tiềm thức của tôi không? - Muôn loài dùng ý thức đề kiểm soát hành động trong thế giới hữu hình. Tất nhiên cũng có thể dùng tiềm thức để kiểm soát hành động trong thế giới vô hình. - Bằng cách nào? - Những gì cô có thể làm bằng ý thức thì cũng có thể làm bằng tiềm thức. Cô có thể điều khiển các diễn tiến trong giấc mơ nếu muốn, hoặc nếu cô không thích giấc mơ ấy, cô có quyền không mơ nữa. Trong giấc mơ, cô sẽ thấy những gì không thể thấy hoặc nghe bằng ý thức, thậm chí có thể dùng tiềm thức để học hỏi. - Ông học được gì bằng tiềm thức? - Tiềm thức đưa ta xuống vực sâu, lên trời cao, len vào những nghách đá, lặn ngụp giữa lòng suối. Tiềm thức đưa ta gặp những hiện hữu không thuộc thế giới hữu hình của loài người. - Theo ông, loài vật, loài cây cỏ, suối nước hang đá xung quanh ông có mơ không? - Loài người chỉ là một loài bé nhỏ trong muôn loài vật của vũ trụ. Nếu loài người có giấc mơ các loài khác cũng sẽ mơ. Cọng cỏ nghe đến đây, bật cười khoái chí, nó muốn hét lên: “Cô gái ơi! Ta vẫn thường mơ mộng hàng đêm đấy nhé.”

SỰ TIẾN HÓA Đêm dần xuống, cô gái đang chuẩn bị bữa ăn tối bằng những vật liệu mang theo trong hành trang mà đối với cọng cỏ rất là “cấp tiến.” Chỉ cần bấm “tách” một cái là cô gái đã có ngay lửa ở trong tay. Chẳng thấy cô gái săn bắn hay thu lượm gì mà giờ cọng cỏ đã ngửi thấy mùi thức ăn thơm phức. Ngay cả những mùi ấy cũng kỳ lạ, có lẽ đạo sĩ chưa từng ăn bao giờ nên cọng cỏ chưa có dịp ngửi thấy. - Ông ăn chay phải không? – Cô gái hỏi đạo sĩ. - Đúng vậy. - Món súp của tôi chỉ có mùi thịt chứ không có thịt, ông dùng chứ? - Tất nhiên, đối với ta thì món súp của cô chẳng có mùi thịt gì cả vì ta đã quên mất mùi thịt ra làm sao. - Ông có nghĩ rằng sống mãi ở đây ông sẽ đi ngược lại với sự tiến hóa? - Sự tiến hóa nằm ở ngay trong đầu của mỗi vật, sống ở đâu cũng thế thôi. Những kỹ thuật xã hội con người đang có, chỉ cần tập trung suy nghĩ, ta có thể nghiệm ra hết cả. - Ông muốn nói đến những kỹ thuật tân tiến, như hệ thống liên mạng? - Hệ thống liên mạng ấy lấy căn bản từ hệ thống liên mạng trong thiên nhiên, và chỉ là một phần nhỏ của sự thông tin tư tưởng. Ngay cả ở đây cũng vẫn có hệ thống liên mạng. - Xin ông giải thích thêm. - Khi nhìn lên trời hay nhìn vào sinh hoạt của các loài xung quanh, ta có thể đoán biết được thời tiết hay những sự biến động. Đối với hệ thống liên mạng mà xã hội loài người đang xử dụng, để chuyển một thông tin đi nửa vòng trái đất hay xa hơn nữa, phải dùng đến những làn sóng vô hình trong không gian. Và nếu như đã có những làn sóng vô hình thì việc thông tin trực tiếp bằng ý nghĩ thay vì lời nói, hành động, hình ảnh hay chữ viết chỉ là sự khác nhau giữa các làn sóng mà thôi. - Ông có nghĩ khi đó, con người đạt đến đỉnh tối cao của trí tuệ hay không? Đạo sĩ lắc đầu: - Loài người có thể cho một điểm nào đó là tối cao, nhưng đấy chỉ là sự tương đối và tạm thời vì kiến thức của con người có giới hạn. - Theo ông thì sự thành đạt của xã hội loài người hiện nay sẽ đi tới đâu? - Như ta đã nói, phát minh là mầm mống của sự hủy diệt. Sự tiến hóa đã đi được rất nhiều vòng thì nền văn minh hiện nay không thể nào đi lệch ra ngoài quỹ đạo ấy. Khi đã đạt đến mức quá mạnh, quá cao thì sẽ phải giảm xuống, như ngọn núi kia, có triền dốc lên thì phải có triền dốc xuống. Khi đã quá rực rỡ thì sẽ phải lu mờ, như mặt trời khi lặn khi mọc. Khi đã quá bành trướng thì phải có lúc thu hẹp lại, như mặt trăng có khuyết có đầy. - Có nghĩa là không có sự gì tồn tại mãi mãi? Đạo sĩ cười: - Sở dĩ đặt vấn đề trường tồn là vì sự ham muốn thống trị. Thực chất chỉ có một sự tồn tại và sự tồn tại ấy biến chuyển hình dạng, vị trí, và có thể “chuyển ngôi.” Nên nhớ rằng trước khi con người bành trướng trên quả đất này, thì nó đã từng là hành tinh của loài khủng long, thì chẳng có gì lạ nếu như một loài khác thay thế con người, và con người lại thay thế một loài nào đó ở một nơi nào đó. - Nói như ông thì không có gì đáng ngạc nhiên hay nghi ngờ về các nền văn minh xuất hiện trước chúng ta hàng tỷ năm? - Tất nhiên, cô nhìn thấy trăng khuyết không có nghĩa là trăng không tròn. Cô nhìn thấy mặt trời chói sáng hơn các vì sao, không có nghĩa là các vì sao bé nhỏ và kém chiếu sáng. Chúng ta văn minh hơn mười năm hay trăm năm trước không có nghĩa là văn minh hơn triệu năm hay tỷ năm trước. - Thế ra con người chỉ đi loanh quanh? - Không riêng con người, mà mọi vật đều đi loanh quanh giữa tiến và hóa. Cọng cỏ chợt rùng mình, có thể nào nó sẽ “tiến hóa” thành đạo sĩ và đạo sĩ thành cọng cỏ?

VĂN MINH CỦA CÁC PHƯƠNG Ngoi lên từ sự tĩnh lặng phương Đông, sợi nắng ấm chia xẻ niềm khát khao của một ngày mới với khoảng không. Cô gái và con chó tỉnh giấc, nhìn về vòm ửng hồng xóa tan cụm mây đen với một tâm trạng sảng khoái. Thấp hơn, đạo sĩ vẫn ngồi, mỉm cười với cảnh vật. Chỉ riêng cọng cỏ không một chút rời cô gái, con chó và đạo sĩ. Cô gái sau một thoáng hạnh phúc tự tại, quay sang hỏi đạo sĩ: - Phương Đông có phải là hào quang của văn minh con người không? Đạo sĩ quay nhìn cô gái: - Tại sao cô nghĩ vậy? - Không phải mặt trời mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây sao? - Cô gọi phương mặt trời mọc là phương Đông nên kết luận văn minh nhân loại sẽ rọi sáng ở phương Đông? - Phải. - Vậy nếu tôi gọi phương mặt trời mọc là phương Tây, vậy thì câu trả lời về văn minh nhân loại sẽ khác đi? Cô gái suy nghĩ một lát, nói: - Nhưng ông hãy nhìn xem, Tây phương đang hướng về Đông phương và có nhiều giả thuyết cho rằng văn minh Đông phương đang trỗi dậy. Vả lại văn minh Tây phương không còn hưng thịnh như trước. - Văn minh Tây phương và Đông phương đều có lúc hưng thịnh và lúc suy đồi. Cái gì lên nhanh sẽ xuống nhanh, lên chậm xuống chậm. Nhân loại đã từng có những nền văn minh cực thịnh như La Hy và Trung Ấn, nhưng cũng không tồn tại với thời gian. - Ông có nghĩ Đông phương là một ngoại lệ? - Ta không nghĩ vậy. Tất cả các nền văn minh đều chỉ rực rỡ trong một thời gian. Đông Tây sẽ tiếp nối và ảnh hưởng lẫn nhau. Thật ra về ý nghĩa, hai nền văn minh ấy đều giống nhau, chỉ có hình thức khác nhau, tạo nên sự riêng biệt của Đông và Tây. - Ông có thấy là đối với thế giới Tây phương, Đông phương vẫn còn là một sự xa lạ, đặc biệt về vấn đề tâm linh và triết học. - Không có gì xa lạ cả, có thể vì người Tây phương chưa tìm hiểu hết văn hóa Đông phương. Thật ra, ngay cả văn minh Tây phương vẫn chưa được tìm hiểu cặn kẽ và thâm sâu. Con người chỉ biết đến Đông Tây, vậy còn Nam Bắc thì sao? Ta không biết đến không có nghĩa là chúng không tồn tại. - Có giả thuyết về sự xuất hiện của một nền văn minh mới ở phương Đông, ông nghĩ sao? - Xuất hiện từ Đông, rồi cũng sẽ xuất hiện từ Tây, từ Nam hay là từ Bắc, không có gì lạ cả. Hơn nữa, phương Đông của nơi này lại là phương Tây của nơi kia, nên cách nói Đông Tây vẫn chỉ là tương đối. - Sự xuất hiện của một nền văn minh mới có giúp ích gì cho con người hay không? - Cô gái trầm ngâm. - Khi con người bế tắt trong văn minh của họ, họ sẽ đi tìm giải thoát ở một phương khác xa lạ với họ. Sự xuất hiện của một nền văn minh mới là điều nhân loại mong muốn. Nhưng ta không nghĩ con người cần một nền văn minh mới. Cái quan trọng là bớt đi hình thức của một nền văn minh đang có, điều này sẽ giúp con người nhiều hơn. - Vậy theo ông, văn minh con người sẽ đi về đâu? - Đối với con người hiện đại, “văn minh” được xem đồng nghĩa với những giá trị vật chất siêu việt. Những giá trị ấy không thể tồn tại lâu. Đã đến lúc con người cần trở lại sự cân bằng vũ trụ và nhân sinh. Giá trị thiên nhiên và đời sống tinh thần là quan trọng. Ta không thể định chính xác phương của văn minh con người được vì văn minh chính nó không có điểm chấm dứt. Cô gái trầm tư, suy nghĩ. Cọng cỏ cũng chìm vào sự suy tư, “Văn minh loài cỏ có bị tàn lụy một ngày nào đó không nhỉ?”

HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG Trời chuyển dần sang màu hồng xám, bắt đầu buổi chiều tối. Cô gái cùng với con chó chuẩn bị thu xếp hành trang để sáng mai lên đường rời khỏi khu rừng. Đạo sĩ, với sự tĩnh lặng hàng ngày, vẫn ngồi chuyện trò cùng vạn vật. Cô gái bất chợt nhìn sang đạo sĩ: - Ông có nghĩ rằng xã hội con người chứa quá nhiều hình thức không? - Cô cho thế nào là hình thức? - Hình thức như các lễ nghi tôn giáo, văn hóa và ngay trong cả xã hội. - Thế cô chống lại hình thức? - Tôi không biết. Nhưng tôi thích con người hướng đến nội dung nhiều hơn. - Thế cô cho thế nào là nội dung? - Trung thực với suy nghĩ của mình. - Vậy người coi trọng hình thức là không trung thực? - Không hẳn, nhưng hình thức là một trong những yếu tố nhốt chặt tư tưởng con người. - Ở một góc độ nào đó, – Đạo sĩ gật gù – ta đồng ý với cô, nhưng đôi khi cũng còn tùy vào hoàn cảnh để xét đoán hình thức và nội dung. - Xin ông giải thích thêm cho rõ. - Này nhé, hình thức sẽ trở nên yếu tố tích cực nếu người trọng hình thức dùng hình thức làm điều thiện. Lấy ví dụ, trong xã hội, con người dùng lễ nghĩa đối xử tốt với nhau thì đấy là điều tốt. Đi vào tâm linh, khi một tu sĩ cầu nguyện, chấp tay niệm một đấng nào đó, xin cho một người nào đó đang lâm cảnh khổ sở hiểm nguy, thì đó cũng là một điều tốt. Không nên chê trách họ. Nhưng nếu vị tu sĩ ấy chỉ biết sáng đêm cầu nguyện, quên đi nguồn gốc của việc cầu nguyện, quên đi cái tinh túy trong tư tưởng mình, thì xem như hình thức cầu nguyện sẽ rất dư thừa. - Ông nghĩ thế nào khi con người biết được sự khác nhau của hình thức và nội dung nhưng vẫn duy trì? - Như ta đã nói, nếu một người tâm thiện nhưng thích hình thức rườm rà thì người ấy vẫn còn là người tốt. Còn nếu ngược lại, người không hình thức nhưng có ý đồ nội dung xấu xa sẽ vẫn có khả năng hại đến người khác. - Theo ông thì nội dung quan trọng như thế nào? - Nội dung của một vấn đề chính là nền tảng của vấn đề ấy. Một con người được coi là sâu sắc khi biết và hiểu tường tận từng hành động mình đang làm. Xa hơn, người ấy sẽ có mục đích trong tư tưởng, và việc mà họ muốn làm sẽ ảnh hưởng đến mọi vật. - Thế còn ông, ông ngồi thiền như vậy không phải là hình thức sao? - Thiền sẽ là hình thức nếu người ngồi thiền không phóng thích tâm trí của mình. Còn ta, ta ngồi trong trạng thái tịnh, trí tuệ ta thanh thản sáng suốt. Tâm ta bay bổng nhàn nhã. Ta tịnh ngay cả khi ăn và ngủ. Vậy không thể gọi ấy là hình thức. - Thế ông nghĩ người đời xưng hô lễ nghĩa dài dòng, để ý từng hành động cử chỉ lẫn nhau để định giá trị con người thì sao? - Hễ có ngôn ngữ là có hình thức. Nếu ta không cần hình thức thì ta cũng không cần ngôn ngữ mà vẫn thông đạt tư tưởng. Xã hội con người đa dạng và phức tạp, người trọng hình thức sẽ bất đồng với người trọng nội dung và ngược lại. Tuy nhiên, giá trị con người không thể đánh giá đơn giản qua vài lời nói hay hành động được. Chỉ có thể tự mình dùng tâm và trí để suy xét hành động của mình. Giá trị mỗi con người không thể diễn tả bằng ngôn ngữ được. - Vậy theo ông, hình thức và nội dung có cần thiết không? - Cần và không cần. - Tại sao? - Hình thức và nội dung nên được dùng đúng hoàn cảnh, và tùy theo trường hợp. Không coi thường hay coi trọng cả nội dung lẫn hình thức thì con người sẽ tiến xa. Cô gái trầm lặng suy nghĩ. Cọng cỏ cũng chìm vào những suy nghĩ lan man, “Không biết chính ta có hình thức không?”

TU VÀ ĐẠO Hơi sương lóng lánh trên các cành lá trong buổi sáng mai, lúc cô gái và con chó chuẩn bị lên đường để trở về nơi họ muốn. Cô gái tỏ ra vương vấn với cảnh vật yên tịnh, nhưng con chó thì mừng rỡ cuống lên, có lẽ nó rất nhớ nhà. Đạo sĩ vẫn ngồi, còn cọng cỏ thì không ngủ được cả đêm qua. Nó thèm nghe cô gái và đạo sĩ đàm đạo; nó muốn tìm hiểu thêm về đời sống loài người. Nhưng mặt khác nó lại muốn là người “độc quyền” tranh luận với đạo sĩ. - Tôi sắp sửa đi, nhưng có vài điều muốn chia xẻ cùng ông. - Xin cô tự nhiên. - Tôi nhận thấy ông và các tu sĩ ở chỗ tôi sống khác nhau quá xa! - Tại sao? - Chốn tu của họ tiện nghi và đẹp quá, ăn uống có người chăm lo, cuộc sống luôn được nhiều người tôn sùng. Còn ông, ông phải sống tự túc và làm bạn với cây cỏ. - Thế cô cho ta là thiếu thốn? - Tôi cho là ông mới đích thực là kẻ tu hành, sống xa rời vật chất, dục vọng để hòa mình vào thiên nhiên. - Cô quá khen. Ta luôn nghĩ ta là người giàu có, dinh thự của ta là cả khu rừng này, thức ăn ở đây quá dư thừa. Cây cỏ cũng dịu dàng trìu mến ta. - Nếu tất cả tu sĩ đều lãnh hội đạo như ông, tôi chắc sẽ không phải đi lạc vào khu rừng này. - Cô chớ nên bi quan, sẽ có rất nhiều tu sĩ đạt đạo, vả lại có nhiều người đạt đạo chưa hẳn phải là tu sĩ. Và có khi, những người đạt đạo lại ít được người đời biết đến. - Nghe ông nói vậy, tôi cảm thấy còn chút tin tưởng vào xã hội mà tôi đang sống. - Hãy tin tưởng vào chính dòng tư tưởng đang chảy trong người cô và hãy nhìn chính tư tưởng của cô như là xã hội, là đạo. Sẽ có những lúc cô bị dằn vặt, khủng hoảng trong xã hội tư tưởng của cô, thì đây là lúc mà niềm tin của cô sẽ phải lên tiếng. Khi có niềm tin, cô sẽ tìm thấy đạo, con đường đưa cô đến hạnh phúc. Do đó, tư tưởng, đạo, và xã hội phải nhịp nhàng thì con người mới đạt được thanh bình và an lạc. Từng lời đạo sĩ như lời chào tạm biệt cô gái và con chó. Tiếng chân nhỏ dần cùng với bóng dáng của họ. Cọng cỏ buồn bã, “Đến rồi đi, đạo sĩ có bỏ đi một ngày nào đó không?”

HỌC ĐỂ QUÊN Cọng cỏ nín thở nhìn theo dáng cô gái và con chó từ từ mờ tan vào làn hơi nước ban mai. Nó thở phào, đạo sĩ hỏi: - Ngươi không thích sự hiện diện của cô gái và con chó? - Không hẳn thế, chỉ vì tôi có nhiều điều muốn hỏi ông. - Tại sao ngươi không hỏi khi có họ ở đây? - Ông bận nói chuyện với họ, còn tôi thì bận nghe ông và họ bàn luận. - Bây giờ ngươi muốn hỏi gì? - Tôi quên rồi. - Vậy thì tốt cho ngươi. Cọng cỏ ngạc nhiên: - Tại sao? - Những sự hiểu biết ngươi thu lượm được, phải quên hết đi. - Học để quên? Ông dạy gì mà lạ thế? – Cọng cỏ bực dọc. - Khi ngươi quên tất cả rồi thì kiến thức đó mới thực sự giúp ích cho ngươi và thuộc về ngươi. - Tôi chưa hiểu. - Hãy tưởng tượng kiến thức như sỏi đá dồn vào đầu ngươi. Nếu ngươi cứ nghĩ chúng là sỏi đá, đầu ngươi sẽ chỉ là cái lọ đựng nặng chình chịch và có giới hạn. Nếu ngươi quên sự hiện diện của chúng, đầu ngươi nhẹ tênh, và ngươi sẽ có thể thu thêm kiến thức. - Thế những sỏi đá ấy đâu? Đạo sĩ cười: - Chúng sẽ biến thành những gì ngươi muốn và bay ra khỏi đầu ngươi. - Làm sao tôi có thể thực hiện được điều ông nói? Đạo sĩ đưa ngón tay đến sát cọng cỏ làm nó phải nghiêng mình xuống: - Ông làm gì thế? – Cọng cỏ ngạc nhiên. - Ngươi đang nhìn thấy gì? - Ngón tay của ông chứ cái gì. - Nhìn kỹ xem – Đạo sĩ đưa ngón tay gần hơn nữa làm cọng cỏ phải nhắm mắt lại: - A! Tôi thấy khuôn mặt của ông đằng sau ngón tay đấy. - Tốt, bây giờ người hiểu chưa? Nếu ngươi chỉ nhìn thấy hay nhớ cái ở trước mắt ngươi thì ngươi chẳng thấy cái gì khác cả, ngươi phải quên cái truớc mắt, quên mớ ngôn ngữ mà ngươi thu lượm được thì ngươi mới có thể sống với ý nghĩa chứa đựng trong mớ ngôn ngữ ấy. Cọng cỏ im lặng một hồi dường như để ôn lại lời của đạo sĩ, chợt nó thốt lên: - Này, ông có thể nhắc lại được không, ông làm đầu tôi rối lên rồi. Đạo sĩ cười sảng khoái: - Ngươi khá thông minh đấy, cọng cỏ ạ. Cọng cỏ lúc lắc đầu, thử xem mớ kiến thức của nó có kêu lạo xạo trong đầu hay không. KẾT Mặt trời xuống, nhường phần sáng tự nhiên trong tâm thức đạo sĩ rọi vào muôn loài. Khu rừng bỗng rực lên và nhộn nhịp hơn trước. Cọng cỏ, có lẽ đã quên hết những cuộc đàm đạo cùng đạo sĩ, nó bâng quơ với thắc mắc của chính mình: “ Tại sao đạo sĩ lại tồn tại trong khu rừng hoang vắng này?” Nhưng cọng cỏ không lên tiếng hỏi đạo sĩ về sự hiện diện của ông. Nó mải ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, đẹp như một bức tranh xếp hình tinh xảo. Nó có cảm giác an nhiên thanh thản, dường như nó đã hiểu sự hiện hữu của mọi vật xung quanh và sự xếp đặt của tạo hóa. Có điều, nó không nhớ tại sao nó lại hiểu...


ĐTQA
2000

No comments:

Post a Comment