Saturday, April 16, 2011
Phật thuyết Thí Ngạ Quỷ Cam Lồ Vị Đại Đà La Ni.
Tạng Thư Phật Học Kinh Phật Thuyết Thí Ngạ Quỷ Cam Lộ Vị Đại Đà La Ni Đại đức Bạt Đà Mộc A dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán Việt dịch: Quảng Minh Như vầy, một thời đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai trú ở hải hội thuyết pháp là đạo tràng Ba la, tịnh xá Lô Kê nơi đỉnh Kim Cang Luân, núi Cô Đà, cùng với bất khả thuyết A tăng kỳ bốn chúng vây quanh. Ngồi trên những tòa Kim Cang tám góc có sư tử là chư vị Bồ tát nói pháp Phương quảng, trọn thời buông dục. Bấy giờ, đức Thế Tôn thương xót các loại chúng sanh trong nẻo ác mà muốn diễn nói Thân na Tất lợi đa Ma đà la Ban giá Đà la ni [1], là thần chú đại bi tối thắng, vì là pháp môn thiện xảo bí mật. Từ nơi tim của Như lai mật phóng ánh sáng mặt trăng màu ngọc Ma ni, gọi là Nguyệt ái từ quang, trên chiếu đến cõi trời Hữu đảnh, dưới soi tới địa ngục A tỳ, cho đến mười phương thảy đều soi khắp; trong ánh sáng ấy mọi thứ đều sáng suốt, như kính pha lê soi thấy ảnh tượng. Đức Phật bảo các đại chúng: Thiện nam tử, các ông phải quán sát sự thọ thân trong sáu nẻo đều là khổ não. Đại chúng ở đây nương uy thần của Phật quán thấy việc đó rồi, cùng mở lời thưa rằng: Chúng con đã thấy rõ ràng. Đức Phật dạy: Tám khổ thế gian, kể không thể xiết; tai ương sáu nẻo, rất đáng sợ hãi. Cớ sao vậy? Người trong thế gian không tin tội phước, báng bổ cho là không có nhân quả, (do) điên đảo không biết, (thêm) tham lam ganh ghét, nên sau khi mạng chung, đọa vào ngục Vô gián, chịu đủ các khổ, không thể nghĩ bàn. Ra khỏi địa ngục lại rơi vào đường ngạ qủy, đủ các ác nghiệp, thọ báo khác nhau. Do ác nghiệp mà thọ ba mươi sáu loại thân ngạ qủy, đó là: qủy Bệ lệ đa, qủy Xa da, qủy Kiện đà, qủy Bố sắc ba, qủy Kệ bà da, qủy A thâu giá, qủy Bà đa, qủy Ô đà ha la, qủy Đà la chất đa, qủy Chất đa, qủy Bà lỗ da, qủy Thị vĩ đa, qủy Khởi sa kê đà, qủy Xà để, qủy Yết tra bố đơn na, qủy Cưu bàn trà, qủy Tất xá giá [2], như vậy cho đến (ác nghiệp) nặng nhẹ kẻ hở. Do ác nghiệp sâu nặng mà cảm ra quả báo đói khát bừng lửa, ganh ghét hừng hực, thường tham uống ăn, chỉ nghĩ nước uống, ngoài ra không biết, khổ đau thảm thiết, không nói nên lời. Cảm báo ra cái thân như đống lửa lớn, thân lượng dù nhỏ dù lớn [3] đều là gầy gò tiều tụy, tay chân yếu ớt, chân như cái chậu nứt vỡ, da thịt khô khan, mạch máu cằn cỗi, giống như trái cây khô héo, bụng phình lớn như cái trống, cuống họng như mũi kim, hơi thở không thông, thường có lửa dữ đốt cháy bên trong, đầu lâu ngang dọc năm núi Di Lâu [4], lửa dữ hừng cháy chưa từng tạm nghỉ. Khi thân di động, lửa cháy toàn thân, làm cho đói khát, lửa lớn thiêu đốt bức bách thân tâm, đông tây chạy đuổi, hú hí kêu gọi tìm kiếm thức ăn. Giả thử thấy đồ ăn ngon, muốn chạy đến lấy, nhưng do nghiệp lực tham giận khiến cho vị ngon tuyệt diệu biến thành máu mủ hôi thối chảy tràn. Tuy thấy sông lớn hay nước suối mát ngọt, muốn qua lấy uống, thì bị các thủy thần dùng gậy sắt đánh đuổi. Giả như không có ai coi giữ, nước lạnh mát ngọt biến thành lửa cháy, lại bị loài chim có mỏ sắt như diều hâu, chim ưng, chim cắt mổ vào mắt qủy. Lại bị thú dữ độc ác như cọp đói, sói đói, mãng xà, chó rừng, vồ túm cào xé, khổ không nói được. Trên thân thể, những chỗ bị lông tóc phủ kín đều bị mười tám ngàn sâu trùng nhỏ độc ác sống bám nơi lông cắn rúc. Do sự đói khát thúc bách mà các ngạ qủy càng thêm giận dữ, sẵn sàng tàn hại nhau, phá bộ não, lấy tủy sống cùng nhau ăn nuốt. Trong năm trăm kiếp còn không nghe được cái tên nước uống, huống chi được thấy. Những khổ não như thế, thí dụ không thể diễn tả, toán số không thể tính được, tổng quát có thể nói là, trăm ngàn ức kiếp thọ báo đầy đủ các thân ác nghiệp xấu kém. Sau khi thoát khỏi cái thân ngạ qủy thì làm đủ loại thân thú vật bị nhốt trong chuồng hay làm thân con trùng trong nhà xí, hoặc núp trong phần dưới của thân con thú, các chỗ hôi thúi, dơ dáy. Các thiện nam tử, làm thân ngạ qủy là do đời trước ngu si điên đảo ngăn che, lưới tâm phiền não tham chấp giăng khắp và chắc, chỉ ưa thích cái thói bóc lột người khác không biết chán đủ: cha mẹ vợ con đều không chu cấp, sư trưởng dạy bảo coi như phân dơ, chẳng bao giờ giúp cho bà con, bạn bè, tôi tớ. Người bủn xỉn như vậy chẳng lo vô thường, tiếc giữ tài vật, nói làm đó là cho trăm năm, lại thường dạy người tham cầu gom chứa, chẳng biết vô thường lão bịnh cùng thân theo nhau. Đến lúc bịnh nặng, tự biết không còn sống lâu, vẫn thường nghĩ thầm: Ta lúc sanh thời, cần khổ cầu tài, nếu sau khi chết, thì các người ác ăn nuốt tài vật của ta như ăn nuốt lửa dữ, ở nhà cửa của ta như ở nhà tối tăm. Khi khởi nghĩ như vậy, do ác nghiệp mà la sát, ngục tốt biến làm người giận dữ, gom lấy của cải một đời của người ấy, đem đến chỗ tội nhân, lấy lửa đốt hết, tội nhân (thấy đó) sanh tâm hoan hỷ. Do nhân duyên như vậy, trong đường ác nghiệp, thân trung ấm hiện ra, phong đại bắt đầu khởi động làm cho mất đi hình thái hơi ấm, và khi đó các ngọn gió mang theo cái lạnh màu vàng cũng phát động. Do gió ác phát động khiến gân mạch co rút, trong miệng khô khan, mặt mắt trở nên vàng khè, răng biến dạng thành răng cáo, thân thể suy nhược, bụng trương phình to, mạch máu xanh vàng hiện, ăn uống không tiêu, thân thể gầy yếu, miệng đắng, nước tiểu vàng, mắt nổ đom đóm chỉ thấy lửa sáng, cổ họng sưng tấy, hơi thở nghịch gấp, đầu tim ghê thúi, ách chặn ngay cổ, tắt tiếng ngắn hơi, toàn thân ghẻ lở, máu mủ thối rữa, chịu khổ sở lớn. Khi sanh mạng sắp chấm dứt, lại khởi nghĩ như sau: Phải chi ta được một viên sắt nóng chảy trong cổ họng, được một khối lửa lớn vào nằm trong thân, lại được một chỗ tối tăm để tránh ánh lửa và trừ bịnh lạnh thì khoái biết mấy. Bấy giờ ngục tốt hóa làm vị lương y, đưa viên sắt mà biến thành viên thuốc lớn, đặt vào trong miệng, bảo ngậm miệng nhanh. Lại hóa xe lớn kết bởi hoa sen bằng vàng, trên xe có đồng tử cầm phất cổ vũ, bịnh nhân thấy vậy tâm sanh yêu thích, nghĩ viên thuốc nóng ấm này chắc trừ được bịnh lạnh, liền muốn đi về phía trước xe, hơi đứt chết liền, sanh vào ngục thất Viên sắt của địa ngục Vô gián. Trong đường đi của ngạ qủy, địa ngục này là nơi cực kỳ khổ não. Ngục ấy có một núi sắt, ngang dọc bằng nhau hai mươi lăm do tuần, hướng đông của núi có một lỗ nhỏ bằng cái đấu của nước Ma già đà [5], thoát ra khói đen, đã vào trong đó thì bị trùng dao trùng kiếm rỉa ăn thân thể, khói mù mịt làm cho không thấy lửa cháy, khắp nơi chướng ngại đuổi chạy, đầu đụng núi sắt, não vỡ tủy văng như làm bể bình mứt. Viên sắt xuyên vào từ trên đầu đâm ra ở dưới chân. Có thể nói tóm là, một niệm chết đi, một niệm sống lại. Đền tội xong lại sanh làm loài qủy ăn mũi dãi, loài qủy ăn máu mủ, từ đây lần lượt chuyển sanh cho đến làm loài thần trong nhà xí, mong chờ lấy thứ bất tịnh mà ăn nuốt. Hết quả báo này rồi thì sanh trong súc sanh, chịu đủ các loại thân như chó, v.v... Thọ báo này xong thì sanh làm người nghèo nàn, hèn hạ, lẻ loi nằm sương, ung thư, phung lác, run rẫy, tiêu chảy, tự trang sức đời mình bằng mọi thứ suy tổn. Người này với bao ác kiến, lạnh đói mà chết. Tướng trạng quả báo tốt xấu trong loài ngạ qủy chỉ nghe nói đến thôi thì lông thân dựng đứng, huống là đích mắt nhìn thấy. Do đó các ông phải khởi tâm đại bi mà cứu khổ nạn kia. Vì sao phát tâm cứu khổ? Các loài ngạ qủy đều là cha mẹ, anh em trai, chị em gái của các ông trong quá khứ, do điên đảo ngu si, không chịu cầu cái vui thoát tục, ưa đắm ba cõi, tạo đủ các tội, nghiệp lực cảm báo sanh làm ngạ qủy, khổ não nung cháy không biết khi nào thoát ra, mất hẳn thân người. Mất thân người nên lìa xa thiện tri thức; lìa xa thiện tri thức nên che thêm lưới nghi, vĩnh viễn không được Vô thượng bồ đề. Vì vậy nên biết, thật đáng thương xót, các ông phải cứu khổ ách cho họ được giải thoát. Bấy giờ trong chúng hội có một vị bồ tát tên là Nguyệt Ái, đã từng huân tập hạnh đại bi như biển, nghe thấy việc này, thân thể lay động, gân mạch co thắt, bi cảm đau buồn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt làm lễ, hai mắt ngấn lệ, bạch với Phật rằng: Than ôi, đức Bà già bà, xin dạy cho chúng con phương pháp cứu hộ làm an ổn cho số đông. Bấy giờ đức Thế tôn bảo bồ tát Nguyệt Ái: Tốt lắm, đại sĩ chính là đại bi, là người tu tập đại bi, vì thương xót tất cả mà hỏi Như lai việc này, ông phải khéo nghe. Thiện nam tử, Như lai có pháp đại bi tối thắng thuộc đà la ni môn, tên gọi là Thân na tất lợi đa đại đạo tràng hội cam lộ vị pháp, không thể nghĩ bàn, đủ đại từ bi, có uy thế lớn, có thể phá tan núi nghiệp rộng lớn của chúng sanh trong đường địa ngục, súc sanh, ngạ qủy; có năng lực làm cho vị bồ tát mau đắc các địa đi đến Như lai địa; lại được thành tựu một trăm mười chủng loại tâm đại từ bi, khiến cho người thọ trì hiện thân chứng được Đại bi luân đảnh vương đà la ni, là pháp môn tam muội của đại bi lưu xuất từ Như lai tạng không thể phá hoại. Thiện nam tử, đại thần chú này có thể dập tắt lửa cháy dữ dội từ sự đói khát trong loài ngạ qủy, thí cho vị ngon cam lộ mát trong, nhất định mau chóng trọn thành quả vị Vô thượng bồ đề. Thí như ánh trăng ban đêm trừ được sự um tùm, đà la ni này cũng lại như vậy, Như lai sẽ nói, các ông phải buộc niệm, một lòng lắng nghe, đừng cho quên mất. Thiện nam tử, nếu có tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, đồng nam, đồng nữ, và các chúng người trời, có ý muốn thọ trì giáo pháp phương tiện này, thì cần phải mời thỉnh cùng tận mười phương giới, tất cả ngạ qủy, thần chúng trong sáu nẻo, phải khởi niệm rằng: Nam mô Phật đà da, nam mô Đạt ma da, nam mô Tăng già da, nam mô bổn tôn Thích Ca Mâu Ni Như lai, nam mô An trụ đại địa chúng bồ tát, nam mô tất cả Long thiên thiện thần, nguyện đem uy thần, thương thêm hộ trợ. Con nay mời thỉnh mười phương quốc độ, cùng tận hư không giới, tất cả chúng hữu tình và ngạ qủy trong sáu nẻo, nương uy thần lực của Tam bảo, đều đến chỗ con. Nói lời này xong, mặt hướng phương đông, liền tụng bảy biến thần chú Triệu thỉnh. Bấy giờ, đức Thế tôn vì bồ tát Nguyệt Ái mà tuyên nói thần chú Triệu thỉnh đà la ni, ngài liền nói chú ấy: Na mô bồ đế rị, đát tha già đa da. Đức Phật dạy bồ tát Nguyệt Ái: Mời thỉnh xong rồi, bấy giờ mười phương tất cả ngạ qủy, qủy thần trong sáu nẻo đều đến tụ tập, chiêm ngưỡng hành giả. Hành giả khi ấy cần phải khởi đại bi tâm mà nói lời rằng: Các vị phải khéo nghe, nay tôi dùng đà la ni này để mở cổ họng cho các vị, cho các vị sự khoái lạc mềm mại, mát trong. Bấy giờ, đức Thế tôn nói thần chú Khai yết hầu đà la ni, chú rằng: Án, bồ đế rị, ca đát rị, đát đa già đa. Tụng thần chú đà la ni này đủ bảy biến rồi, do năng lực của thần chú mà cổ họng của các loài qủy được thông suốt, lửa dữ liền tắt, không còn thống khổ, thân tâm yên ổn. Bấy giờ hành giả trước nên bố thí nước uống. Muốn bố thí nước thì vào lúc sáng sớm hay thời gian trong ngày, cầm một chén nước sạch, mặt hướng phương đông, tụng thần chú bảy biến, hướng về phương đông mà vun rảy nước vào không trung. Do năng lực của đà la ni này mà mỗi một giọt nước rơi xuống đất đều biến thành mười hộc nước cam lộ cõi trời. Các loại qủy thần hưởng dụng no đủ, hoan hỷ vô lượng. Bấy giờ, đức Thế tôn vì bồ tát Nguyệt Ái mà nói liền thần chú Thủy đà la ni, chú rằng: Na mô tô lô bà duệ, đát già tha đa da, đát thiết tha, tô rô tô rô, ba ra tô lỗ sa bà ha. Đức Phật dạy bồ tát Nguyệt Ái: Thiện nam tử, đây gọi là đà la ni thần chú Thí nước cam lộ. Lại nữa, nếu chư thiên và loài người muốn bố thí thực phẩm của mình thì mỗi ngày nên trước giờ thọ trai, dùng cái bát hay đồ dung chứa tốt đẹp quí báu, như bát bằng vàng bạc, bát bằng đồng, bằng sắt, bạch lạp [6], đá qúi, hoặc bát bằng lưu ly, pha lê, các loại ngọc thạch; không có những thứ trên, thì dùng bát bằng gỗ, đá, gốm nhưng phải thật sạch sẽ; không có nữa thì dùng quả bầu khô cũng được, để đựng đầy sữa. Nếu không có sữa thì dùng nước sạch cũng được. Hoặc lấy đồ ăn thức uống có sẵn như cơm sữa, cơm nấu bằng nếp gạo, đại mạch, bánh, men rượu, cháo v.v..., để vào trong bát, chớ để rau cà. Ở dưới cây râm mát, trước tụng chú Triệu thỉnh, kế tụng chú Khai yết hầu, như trên đã nói. Chú thực vào bát bảy biến xong, đổ vãi dưới gốc cây, khi đó mười phương tất cả ngạ qủy nhờ uy đức lực của đà la ni mà ăn uống được cả. Thức ăn không còn biến hóa thành máu mủ nữa, cũng không bị sự ngăn cản, ăn uống thoải mái, đầy đủ no nê, hết lửa đói khát bốc cháy, thân thể an lạc, không có thống khổ. Lại có gió nhẹ, mềm mại, mát mẻ lướt qua trên thân, tham cấu tiêu trừ, thân hết nóng khổ, an nhiên khoái lạc. Các con trùng độc rúc rỉa trên thân dưới lớp lông dài cũng tự rơi rớt, cũng không có những cầm thú hung ác đến giành giựt cắn xé. Tâm ý dũng mãnh an vui, do nhân duyên này, hết tội thoát được cái thân ngạ qủy, sanh trong nhân loại chư thiên, hưởng được cái vui vi diệu, tự tại thù thắng. Nên biết rằng người bố thí thực phẩm được chư Phật hết lòng ca ngợi. Bấy giờ, đức Thế tôn liền tuyên nói thần chú Thí cam lộ thực đà la ni, chú rằng: Na mô ta bà đát tha già đa, nam phược yết đế, tam muội la tam muội la. Bấy giờ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói thần chú đà la ni tên là Đại bi tôn thắng xong, khi đó trời đất chấn động sáu cách, ánh sáng tràn đầy nơi thế giới tam thiên đại thiên này, trời mưa rất nhiều hoa báu cõi trời, và hương báu, chuỗi anh lạc, kỹ nhạc cõi trời cũng rắc xuống như mưa. Ngay lúc đó, những khí cụ trị tội của các ngục Vô gián trong sáu nẻo bỗng va chạm nhau, phát ra âm thanh diễn đạt lý vô thường, khổ, không, giải thoát; vạc sôi lò lửa tự nhiên gãy đổ tan nát; tất cả tội nhân tự biết đời kiếp trước của mình, ai cũng hưởng được một sự vui vẻ y như cái vui cõi thiền thứ ba. Ở trong đại hội, khi nghe đến đây, có người chứng được sơ quả cho đến có người chứng quả A la hán, vô lượng trời người phát tâm Vô thượng bồ đề. Bấy giờ, đức Thế tôn dạy bồ tát Nguyệt Ái và các đại chúng: Đà la ni này rất khó có cơ hội được nghe, huống chi được thấy (văn tự). Câu chi đức Như lai trong quá khứ và vị lai đều cùng tuyên nói đà la ni này. Như nay đây, Như lai là Thích Ca Mâu Ni cũng vì các vị mà khai thị tuyên nói đà la ni này. Thiện nam tử, nếu chư thiên và nhân loại thọ trì như pháp, nhưng chỉ với mục đích bố thí cho qủy thần bị đói khát thúc bách, chẳng nghĩ đến chia cho người chết ngang trái [7], thì không được gọi là thần chú đà la ni Đại bi tôn thắng. Vì sao vậy? Đà la ni này giống như ngọc báu Ma ni có thể thỏa mãn tất cả ý nguyện, cũng như trăng sáng làm cho hoa Ưu đàm bát hé nở tươi đẹp. Thiện nam tử, nếu có vị bồ tát chẳng đắm nơi cái vui của mình, muốn cứu độ người, huân tu tâm đại bi vì lợi ích an vui cho tất cả, thực thi bố thí như pháp, thì vị ấy đích thật là bồ tát tu đại bi, vị ấy đã và đang thực hành hạnh Quán Âm, được tất cả chư Phật nắm tay xoa đảnh, chư tôn bồ tát hết lòng ái hộ, tất cả hiền thánh coi như con đẻ, chư thiên long thần theo hầu bảo vệ. Bồ tát Nguyệt Ái nên biết, công đức của vị ấy cùng bồ tát Di Lặc đồng đẳng. Vì sao như vậy? Vị thiện nam tử ấy nếu có thể phát khởi cái con người trượng phu, hằng ngày tu hành: một ngày thí thực khiến cho ngạ qủy trong một thiên hạ đều được ăn uống; nhiều ngày thí thực khiến cho hết thảy ngạ qủy trong sáu nẻo mười phương được no đủ cả. Vị bồ tát này có được cái đống phước đức không thể nghĩ bàn, chẳng thể so lường, ngoài tầm hiểu biết, tự nhiên chứng được Vô thượng bồ đề. Thiện nam tử, nếu có người ngợi khen, đọc tụng, biên chép đà la ni này thì người ấy vượt thoát sáu mươi ức kiếp vi tế sanh tử thế gian, huống chi tu hành như pháp, không có lúc gián đoạn. Thiện nam tử, Như lai nay nói rõ ràng cho các ông, người trì chú sẽ đối trước đức Phật Di Lặc mà chẳng quyết định được thọ ký Vô thượng bồ đề rằng ở trong Hiền kiếp này thứ tự thành Phật, thì Như lai mắc phải lỗi hư dối với chúng sanh. Từ khi thành đạo cho đến nay, Như lai giảng kinh thuyết pháp không bao giờ có lỗi lầm như vậy. Do đó bồ tát Nguyệt Ái nên biết, các người ở thời kỳ mạt pháp sau này nghe được thần chú này mà thâm tâm tin hiểu, thì các người đó khi chuyển thân sẽ được địa vị Chuyển luân vương, trăm ngàn vạn kiếp thường nhận phước báu của bậc Phạn thiên, gặp Phật xuất thế làm sự cúng dường vô lượng, tu các Phạn hạnh mà về lâu xa đạt được bờ mé của tất cả thần thông, bằng phải thọ sanh thì được thân thể cứng chắc như Na la diên, thọ mạng dài lâu, mang thân kim sắc, tự trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng đại trượng phu, được tiếng Phạn âm, có uy đức tự tại trong cả thế gian. Thiện nam tử, ai là người có trí, thấy lợi ích như vậy nhưng chẳng thọ trì, nên biết người này tự đánh mất lợi ích lớn. Bấy giờ, bồ tát Nguyệt Ái nghe lời Phật dạy rồi, hoan hỷ vô lượng, thưa với Phật rằng: Lành thay, đức Thế tôn đã cho chúng con sự lắng nghe an tĩnh, con xin hỏi về đà la ni đại bi bí tạng, xin đức Thế tôn dạy cho chúng con phương cách thế nào, thọ trì ra sao. Bấy giờ, đức Thế tôn mặt vui mỉm cười, quan sát đại chúng, khen ngợi bồ tát Nguyệt Ái: Tốt lắm, đại sĩ có thể hỏi Như lai việc này, hãy một lòng nghe nhận, Như lai sẽ vì ông mà nói. Đức Phật dạy bồ tát Nguyệt Ái: Nếu có người trời ưa vui tiếp nhận, thực hành pháp môn đại bi, thì người ấy nên vào tháng trăng sáng, ngày mùng tám hay ngày rằm, tắm gội nước thơm, xoa các hương thơm, mặc y trắng sạch, ăn ba bữa cơm trắng [8], khởi tâm bi thương, thệ nguyện đem sự an lạc cho các chúng sanh. Khi mặt trời mọc ở phương đông, hay ban đêm lúc trăng tròn đầy, ở chỗ thanh tịnh, hay đất có trăng soi, nên làm mạn đồ la nước thơm [9] bề dài ba khuỷu tay, dùng bùn thơm bôi trên đất để trừ khử cát độc. Đàn tràng mở ra bốn cửa [10], nơi bốn góc đàn để một bát sữa, lại phải đặt bốn bình nước thơm đầy tràn ở bốn cửa đàn, trên miệng bình tùy lúc cột những hoa, thảo mộc năm màu. Phải có năm lư hương: bốn ở bốn góc và một ở trung tâm. Nơi tòa ngồi chính giữa đặt một cái đèn đốt bằng dầu tô, và có thêm bốn bát đựng đầy hoa, nước, gạo và cơm. Ở chính giữa đàn làm một tòa ngồi hình hoa sen, dùng vải vóc tạp sắc bao phủ trên đài, an trí hình Phật hay tượng Quán Thế Âm. Cửa này thì đặt tượng Diêm la, v.v..., cửa phía đông thì bày tượng Chúa trời. Nói tóm, dùng các thứ tràng phan, bảo cái tương phản để nghiêm sức, lại đốt hương thơm A ca lỗ [11]. Như pháp kết đàn tràng rồi, hành giả đứng ở cửa tây, mặt hướng cửa nam. Ở trước tòa ngồi đặt một lò lửa đốt bằng than cứng chắc, lấy sữa tươi hòa với mật ong để vào trong bát. Hành giả thỉnh mười phương Phật và Trú Đại Địa bồ tát, Kim Cang, trời rồng, qủy thần xong, buộc tâm không loạn, tưởng các thứ khổ não của chúng sanh trong sáu nẻo, vẫn hướng về phía nam, tưởng thấy cảnh khổ rồi, bi cảm tột cùng, mong muốn cứu giúp. Lại tưởng thân mình cởi đài hoa báu bay đến chỗ khổ, sửa thân xoa bóp (cho chúng sanh), rơi lệ như mưa, muốn diệt lửa cháy, càng thêm thương xót, đau thấu xương tủy [12]. Quán chiếu như vậy mười bốn biến xong, liền vào trong thiền định, được địa vị người con thương nhất của Như lai. Tưởng rồi xuất quán, mặt đối phương đông, triệu thỉnh mười phương tất cả ngạ qủy. Tụng chú Triệu thỉnh mười bốn biến xong, lại tưởng các loài qủy biến đầy cõi Diêm phù, kế đó tụng chú Khai yết hầu để được giải thoát, rồi chú nguyện đàn tràng: nước thơm, sữa, cơm, hương, hoa v.v..., chú nguyện xong đặt lại chỗ cũ. Hành giả khi đó cầm một chén nhỏ sữa tươi, tụng chú Thí thực ba biến rồi vãi vào trong lửa. Như vậy tụng đủ một ngàn biến, khi đó chỗ đàn tràng có vô lượng trăm ngàn na do tha mười phương ngạ qủy, tất cả tụ tập không chừa chỗ trống, hoan hỷ ăn uống. Tất cả hiện thân theo lời pháp ngữ của hành giả. Nương theo tâm ý của hành giả, thí thực không có trái nghịch. Hành giả liền vì ngạ qủy mà chỉ dạy lợi mừng [13] khiến được giải thoát. Bấy giờ, từ xa chư Phật hiện tại trong các quốc độ mười phương ngợi khen hành giả và còn xa trao thọ ký bồ đề. Tất cả bồ tát hoan hỷ thương nhớ; tất cả trời rồng, mỗi vị cầm hương, hoa, chuỗi anh lạc, các thứ kỹ nhạc, từ xa hiến cúng hành giả. Hành giả do sức tu hành và sức uy thần, chẳng rời tòa ngồi, liền đắc trăm ngàn na do tha đà la ni môn, trăm ngàn câu chi tam muội môn. Thiện nam tử, tóm yếu mà nói, người này, thân hiện tại lửa không đốt cháy, nước không nhận chìm, độc không xâm hại, dao không tổn thương, chuyển tọa thọ thân liền đắc địa vị Thập trụ, thành Như lai địa. Đức Phật dạy bồ tát Nguyệt Ái: Đây gọi là Thí cam lộ vị đại đàn tràng pháp. Nếu muốn mau chóng thể nhập các địa, tam muội môn, đà la ni môn, v.v... và Vô thượng bồ đề, cần phải nhập đại mạn đồ la. Sự việc sẽ không thành tựu nếu có điều tệ hại. Y pháp thực hành, như trên đã nói, chứng nghiệm tất cả vậy. Bấy giờ, đức Thế tôn vì đại bồ tát Nguyệt Ái mà nói kệ rằng: Đà la ni môn này Chư Phật trước đã nói Như lai cũng diễn nói Vì lợi ích trời người. Nếu có người tin ưa Nghe trì chú như vầy Ông nghe công đức ấy Ta nay sẽ lược nói. Nếu ở ngàn ức kiếp Rộng tạo nghiệp bất thiện Do tụng trì chú này Bảy ngày được trong sạch. Bồ tát ở ức kiếp Gom chứa các phước đức Do tụng trì chú này Bảy ngày được thù thắng. Nên biết các pháp Phật Phương tiện không nghĩ bàn Người đắc mới thể biết Lời Phật không có hai. Bấy giờ, đưc Thế tôn lại bảo bồ tát Nguyệt Ái: Thiện nam tử, nên biết công đức của người trì chú, nói không cùng tận, ông nên nhớ nghĩ, như pháp thọ trì. Vì sao vậy ? Mỗi một chỗ Như lai nói kinh, cho dù nói pháp thế gian hay xuất thế gian, bi điền vẫn là bậc nhất. Lại nữa Nguyệt Ái, Như lai vào một thời, vì các Tỳ kheo nói: Có một người dùng tâm thâm kính muốn hiến cúng cho Như lai món ăn thức uống, nhưng chưa kịp hiến cúng, lại có duyên sự đem thức ăn đó bố thí cho con chó, Như lai tán thán người ấy được phước vô lượng. Cho nên Nguyệt Ái, hiến cơm cho một vị A la hán hay Bích chi Phật, hiện tại nhận được phước báu có hạn lượng, chỉ được quả báo nhân thiên trong năm trăm kiếp. Khéo thí cho ngạ qủy một nắm thức ăn, người ấy được phước đức của bồ đề phần: bồ đề thì không có hạn lượng, nên phước thọ cũng không hạn lượng. Ông nay lắng nghe, Như lai sẽ vì ông mà nói công năng và hiệu quả của đà la ni này. Có người bị tội nặng, nghiệp chướng xấu ác trói buộc khó thể đoạn trừ, nếu mỗi ngày người ấy chú nguyện trong cháo sữa để thí cho ngạ qủy, làm đủ bảy ngày, thì tất cả tội chướng đều được tiêu diệt không sót. Lại còn một cách, nếu có người bị bịnh rất nặng và những bịnh qủy ám, nên làm ba chén cháo bột, chú nguyện bảy biến, ở nơi đồng rộng thí cho các ngạ qủy, làm như vậy trong mười bốn ngày thì những bịnh thống khổ liền được lành hẳn. Lại nữa, nếu trong quốc độ mà có ác nghiệp, độc chất lưu hành, dân chúng bịnh dịch, cầm thú chết ngang trái, chết non, thì nên làm lò lửa, lấy hột Tát lợi sát ba (bạch giới tử) hòa trộn với váng sữa, mật ong v.v... , kêu tên các loài qủy như Hoa lợi đa, v.v..., sau đó lấy một nắm hỗn hợp, chú nguyện, ném vào lò lửa. Mỗi ngày còn phải tụng một trăm lẻ tám biến đà la ni, làm như vậy trong bảy ngày rồi thì ác qủy hoan hỷ, độc chất được thu nhiếp, bịnh dịch được trừ diệt. Lại nữa, nếu có người gặp cảnh ngang trái, điều tiếng miệng lưỡi, thì nên lấy nước mật ong, chú nguyện bảy biến, rảy rưới bốn phương, tất cả điều tiếng miệng lưỡi tự nhiên dứt sạch. Lại nữa, nếu biết kẻ oan gia với tâm báo thù, muốn mưu hại mình, nên vào buổi sáng sớm vì các loài qủy mà dọn các món ẩm thực ngon, xưng tên kẻ oan gia, thì các ngạ qủy bèn khiến kẻ ấy trước đó gặp phải suy yếu, tai họa. Lại còn một cách, khi gặp những năm đói kém, nên chú nguyện trong ngũ cốc, sữa tươi, v.v... một trăm lẻ tám biến, ném để vào trong ao hồ, thì tức khắc đất nước được mùa, dân chúng yên vui. Lại còn một cách, nếu muốn có vị Tất để lợi ma da [14] (để sai khiến), thì lấy váng sữa, sữa tươi, v.v..., mặt hướng phương đông, chú tụng một ngàn biến, thí thực cho các ngạ qủy, kêu tên qủy Xá đề đà, qủy Lam bà, v.v... thì các vị qủy kia sẽ đến ngay tức khắc, và khi muốn họ lui đi thì cũng hô tên thì họ liền lui đi. Lại còn một cách, nếu có người muốn có được các thứ tài bảo, nên dọn bày đồ ăn như trên, chú nguyện đủ mười ngàn biến, kêu tên các loài qủy và nói lời cầu xin, thì vàng bạc, bảy báu rơi xuống thí cho hành giả. Lại còn một cách, lấy sài hồ [15], gạo nếp, váng sữa, mật ong, v.v..., bốc một nắm hỗn hợp, chú nguyện vào đó một biến, rồi ném vào lò lửa, làm đủ một ngàn lẻ tám mươi biến, nhất định được tài vật lớn, tất cả mong cầu đều được như ý. Lại còn một cách, nếu muốn đầy đủ hạnh bố thí, hành giả mỗi ngày thí cho ngạ qủy ẩm thực, làm đủ một trăm ngày, liền được đầy đủ hạnh bố thí. Lại có một cách, nếu người cầu thọ mạng kéo dài, tác pháp như trên, đủ một trăm ngày, liền được sống lâu. Lại có một cách, nếu người muốn hiện tại hình sắc đẹp ra, sức khỏe dồi dào, người khác có cái nhìn mỹ cảm, hoan hỷ với mình, thì nên thí cho ngạ qủy mãn đủ một trăm ngày, ắt được như ý. Như vậy lược nói, hết thảy sự cầu, các thứ suy hoạn, đối trị mống ý, đều được tất cả. Những gì Như lai lược nói ra đây chỉ là chút ít. Bấy giờ, đức Thế tôn lại bảo đại bồ tát Nguyệt Ái rằng: Đà la ni kinh này không thể nghĩ bàn, hoặc một kiếp tăng, hoặc một kiếp giảm, nói cũng không cùng công đức chú ấy. Ở đời tương lai có người trì tụng đà la ni kinh, nên biết người ấy bèn đã gom góp hai mươi thứ loại phước đức lớn lao: Một là hiện tại không bị đói khát, tật bịnh, nghèo khốn, suy họa phiền nhiễu thân tâm; hai là những gì ăn uống, không ngon cũng thành thượng vị; ba là nếu có đi vào đồng trống, trùng độc hòa chung dược thảo, trọn chẳng bị thương; bốn là qủy thần, la sát, tinh mị, vọng lượng coi xem người ấy như là đức Phật; năm là chư Phật, bồ tát, thiên tiên, long thần hộ vệ người ấy như giữ gìn tròng mắt; sáu là nếu có bịnh dịch, do nghiệp hay không rõ ràng nguyên do, thì bịnh dịch ấy không lây vào thân; bảy là thọ mạng tăng trưởng, nằm ngủ yên ổn, gặp việc cát tường; tám là đi đường hiểm trở, đồng hoang, thiếu thốn cỏ nước, tự nhiên hợp ý; chín là tướng mạo vui vẻ, da dẻ tươi sáng, không có sắc xấu; mười là người ấy thường gặp bạn lành, cho đến bồ tát hóa hiện làm bạn lữ; mười một là ở đời vị lai thường sanh vào nhà giai cấp Sát đế lợi và vua chúa; mười hai là đầy đủ sắc đẹp, sức khỏe, thọ mạng, an vui, biện tài; mười ba là thường được hóa sanh trước chư Phật, bồ tát; mười bốn là chỗ ở người ấy đang sống, kho tàng ẩn náu tự hiện; mười lăm là người ấy luôn được người khác cung kính tiếp đãi; mười sáu là tài bảo của người ấy không ai có thể đoạt mất; mười bảy là mong cầu sở nguyện của người ấy đều được toại lòng; mười tám là người ấy không sanh vào thời kiếp nạn đói kém; mười chín là thường sanh cõi trời, hưởng vui tôn thắng; hai mươi là thường dùng pháp hỷ thiền duyệt, không có đói khát. Đó là hai mươi thứ phước đức lớn lao. Thiện nam tử, đà la ni này có uy đức tự tại: Nếu thấy người đang đói khát, mặt hướng về người đó mà tụng đà la ni này thì người đó liền được no đủ. Chú nguyện vào cây khô còn được xanh tươi, huống là loài hữu tình sao không được phước. Vì sự tối thắng của đà la ni này nên Như lai ân cần ba phen giảng nói, nay giao phó cho ông, ông phải nhớ giữ, vì chúng sanh giảng nói, chớ cho quên mất. Bấy giờ, bồ tát Nguyệt Ái từ Phật được nghe pháp phương tiện này, hoan hỷ hào hứng, liền lấy ngọc ma ni Tỳ lăng già, chuỗi anh lạc và các hương hoa mà rải lên đức Phật, ở trước Phật dùng kệ tán thán: Đại bi quán thế âm Ca lăng tần già âm Dùng các lời nói hay Khai thị pháp cam lộ. Vì muốn phá phục hết Những núi nghiệp rộng lớn Bằng cửa phương tiện này Ân cần giao phó con. Con theo lời Phật dạy Cố gắng rộng lưu bố Chỉ xin sanh trong pháp Mau thể hội pháp thân. [16] Đức Phật nói kinh này xong, tất cả hàng đại bồ tát, Kim cang lực sĩ, Thích đề hoàn nhân, Phạn vương, Tứ thiên vương, các chúng trời rồng, qủy thần, nghe đức Phật tán thán, giảng thuyết Đà la ni pháp thân na tất lợi đa cam lộ vị này, thảy đều hoan hỷ, vâng theo lời dạy để tu hành. Kinh Thí Ngạ Quỷ Cam Lộ Vị Đà La Ni Thần Chú Nam mô bộ bổ lợi, đát tha yết đa da, án tát bà tích rị đa yết la da, a già xoa, sa ha. Đây là khế ấn của đà la ni: Đứng thẳng, hai bàn chân làm thành chữ thập [17], trước dùng tay trái ngữa ra, rũ xuống đầu gối, làm tướng thí vô úy, kế đến bàn tay phải, ngón cái gập vào lòng bàn tay, bốn ngón nắm lại, đưa đụng vòng ngọc đeo nơi tai phải [18], dùng phần không có đầu ngón để đong đưa qua lại,liền tụng diệu ngôn ba biến. Lúc đó, hành giả quán tưởng tất cả ngạ qủy, ba mươi sáu bộ qủy thần đều vân tập, chắp tay chiêm ngưỡng hành giả. (Công đức của) diệu ngôn đà la ni này là: Nếu có thiện nam tử, nữ nhân, đồng nam, đồng nữ thọ trì, tán tụng đà la ni này thì hiện đời được mười thứ phước đức. Những gì là mười ? Một là thuốc độc không thể trúng; hai là rắn độc không dám cắn; ba là dao gậy không thể hại; bốn là vua quan không dám sân; năm là mọi người đều yêu kính; sáu là trời rồng thường ủng hộ; bảy là y thực đều sung túc; tám là dung mạo đoan chánh; chin là rời xa những sợ hãi; mười là không thọ thân ba đường. Án bộ bổ rị, già đát rị, đát tha yết đa da. Đây là khế ấn của đà la ni: Căn cứ theo ấn tướng mời gọi cùng cách đứng như trên, rồi chắp tay mười ngón, đầu ngón chạm nhau, khoảng giữa các ngón xa ra một tấc, phần cổ tay mở ra đặt ngang trái tim. Đây gọi là Đại bi tâm luân đà la ni pháp. Khi kết khế ấn này, tụng niệm diệu ngôn bảy biến. Lúc đó, quán tưởng trên khế ấn có một viên bảo châu ma ni bằng thủy tinh, phóng ánh sáng thủy tinh, chiếu chạm các loài qủy, tất cả lửa dữ thảy đều tiêu mất. Ánh sáng thủy tinh này vào trong miệng qủy thì cổ họng của chư qủy đều được thông suốt, lìa các khổ não. Nam mô tố lỗ ba duệ, đát tha yết đa da, đát điệt tha, tô lỗ, tô lỗ, ba la tô lỗ, sa bà ha. Đây là khế ấn của đà la ni: Ngồi bán già như cách ngồi của Chuyển luân vương, trước dùng bàn tay phải làm dáng như nâng cần cổ (em bé), cách cần cổ chừng một tấc, cùi trỏ đặt trên đùi phải, kế đến ngữa nghiêng bàn tay trái [19] duỗi năm ngón rũ trên đùi phải, làm dáng cho bú sữa. Khi làm thủ ấn này, tụng niệm diệu ngôn bảy biến, quán tưởng tay trái năm ngón chảy ra dòng sữa màu trắng, màu như bạch ngân, chảy mãi không dứt. Các loài qủy há miệng hứng sữa, đều được no đủ. Thiện nam tử, người làm khế ấn này, hiện đời được mười sáu thứ công đức. Những gì là mười sáu ? Một là thọ mạng dài lâu; hai là nhan sắc đẹp đẻ; ba là khí lực sung mãn; bốn là tâm thường hoan lạc; năm là biện tài không ngưng; sáu là luôn không tưởng đói; bảy là trong miệng thơm tho; tám là người đều kính ngưỡng; chín là thiên thần thị vệ; mười là qủy Tỳ xá na hiện hình cung cấp; mười một là thân không bịnh hoạn; mười hai là oai đức như vua; mười ba là ác nhân, ác qủy thấy đều hoan hỷ; mười bốn là được phước thiên luân vương; mười lăm là mộng thấy chư bồ tát, la hán; mười sáu là nơi chốn sanh ra, thế giới chấn động. 23.06.2009 (Mùng 1 tháng 5 nhuần Kỷ Sửu) [1] Đời Đường gọi là Thí ngạ qủy cam lộ vị đại đạo tràng hội đà la ni. Thân na = bố thí. Tất lợi đa = ngạ qủy. Ma đà la = cam lộ vị. Ban giá (vu sắt) hội = vô giá hội: pháp hội thực hành tài thí và pháp thí một cách bình đẳng, không phân biệt hiền thánh, tăng tục, sang hèn, trên dưới. [2] Qủy Bệ lệ đa = qủy đói, qủy Xa da = qủy hình ảnh, qủy Kiện đà = qủy ăn hương, qủy Bố sắc ba = qủy đói ăn hoa, qủy Kệ bà da = qủy ăn bào thai, qủy A thâu giá = qủy ăn bất tịnh, qủy Bà đa = qủy ăn gió, qủy Ô đà ha la = qủy ăn tinh khí, qủy Đà la chất đa = qủy tâm sân, qủy Chất đa = qủy tâm ác, qủy Bà lỗ da = qủy ăn đồ tế tự, qủy Thị vĩ đa = qủy ăn thọ mạng của người, qủy Khởi sa kê đà = qủy ăn thịt mỡ, qủy Xà để = qủy ăn trẻ sơ sinh, qủy Yết tra bố đơn na = qủy thân có mùi hôi xương cháy, qủy Cưu bàn trà = qủy giữ cung điện, qủy Tất xá giá = qủy thần giữ nhà xí, ăn đồ bất tịnh. [3] Chỉ cho thân lượng cực dài lớn là một do tuần, cỡ nhỏ nhất bằng đứa bé biết nói. [4] Ý nói cái đầu có thể lớn như ngọn núi. Thế giới này lấy núi Tu di (sumeru) làm trung tâm, chung quanh núi Tu di có 7 vòng núi vàng, vòng ngoài cùng là núi Di lâu. [5] Ma già đà (Magadha) tân dịch là Ma kiệt đà, cựu dịch là Ma già đà, là tên một nước ở miền trung Ấn Độ. [6] Bạch lạp: hợp kim chì và thiếc. [7] Chết ngang trái: hoạnh tử. Kinh Dược Sư kể ra có 9 thứ hoạnh tử. [8] Tam bạch thực: Ba bữa trắng, là ăn thức ăn làm bằng sữa, gạo, lúa mạch. [9] Hương thủy mạn đồ la: Còn gọi là Đàn địa. [10] Ban ngày thì dựng đàn bốn hướng, ban đêm thì dựng đàn hình trăng tròn. [11] A ca lỗ hương: Trầm thủy hương. [12] Hành giả nếu tâm chưa tương ưng thì quán tưởng các ngạ qủy như cha mẹ, vợ con, những người mà mình thương yêu. [13] Chỉ dạy lợi mừng: Chánh văn là thị giáo lợi hỷ. Đây là lối thuyết pháp của Phật và bồ tát, theo đó thị là trình bày cho người nghe rõ thiện ác, tốt xấu; giáo là thuyết phục người nghe bỏ ác làm lành, rời xấu theo tốt; lợi là chỉ ra sự lợi ích của việc thực hành ấy; hỷ là tán thưởng sự thực hành ấy cho người nghe vui mừng. [14] Tất để lợi ma da: Tất để lợi = tất điệt rị: con gái, đàn bà. Ma da = ma la (Màra): ác qủy cướp đoạt nhân mạng, gây nhiễu loạn, phá hoại thiện sự của loài người. Đây là tên nữ qủy hộ trì cho người trì chú. [15] Sài hồ: Thảo dược sống lâu năm, mùa hạ nở hoa nhỏ màu vàng. [16] Chánh văn là Thảo phục dĩ vi Lô, nghĩa là Cỏ rồi sẽ làm Lô. Tạm hiểu, cỏ chỉ cho chúng sanh căn tánh nhỏ bé, Lô là Tỳ lô giá na, chỉ cho pháp thân Phật. [17] Hai bàn chân thẳng góc với nhau. [18] Tay phải cong đụng dái tai phải. [19] Chánh văn là bàn tay phải, đùi phải, ngờ rằng là bàn tay trái, đùi phải, vì tay phải đã làm dáng nâng cần cổ. Đây là Thí nhũ mẫu thủ ấn.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment